Tuyển sinh – Đến lớp học chỉ để điểm danh, chơi điện thoại, ngồi tán ngẫu, thậm chí là …ngủ. Thầy dạy cứ dạy, trò làm việc của trò. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở nhiều trường đại học, cao đẳng.
Giảng viên độc thoại
Học đại học là “Quá trình bị đào tạo sang tự đào tạo”. Vì vậy, rất nhiều học sinh khi đỗ vào các trường đại học chưa làm quen được với quá trình chuyển đổi trên. Học phổ thông là thụ động, thầy cô dạy theo sách giáo khoa có một, hai la mã… nhưng khi vào đại học thì không ai có thể đào tạo chi tiết như vậy. Học đại học là tự học.
Theo ghi nhận của chúng tôi ở một số trường đại học, trong các giờ học thầy, cô giáo dùng slide trình chiếu sẽ thu hút được nhiều sự chú ý, tập trung của sinh viên hơn là các giờ giảng “chay”.
Những giờ giảng không thiết bị hỗ trợ, không công nghệ, đặc biệt là trong những buổi học môn lý luận bắt buộc không khí lớp học trầm lặng hẳn. Phía trên thầy cứ thao thao nói, trong khi các sinh viên rất trật tự, chăm chú làm việc riêng. Người chơi điện thoại, người ngồi vẽ bậy, thậm chí là …ngủ. Mặc kệ giảng viên độc thoại với bài giảng của mình.
Thậm chí ngay cả những giờ học được sử dụng đầy đủ thiết bị, công nghệ cũng không lôi kéo hết được 100% sự tập trung của sinh viên cả lớp. Bạn Nguyễn Hoàng Sơn, sinh viên trường Đại học Thủy Lợi cho biết: “Trong lớp học, chỉ được 2, 3 bàn đầu là các bạn tập trung nghe giảng. Còn những bạn ngồi phía dưới đa phần là làm việc riêng như sử dụng điện thoại, nói chuyện riêng… Những hôm gặp thầy cô dạy hay, nhiệt tình, khuấy động được không khí học tập thì lớp học sôi nổi, hào hứng, còn không thì cứ nhàn nhạt như nhau”.
Đồng ý kiến với Sơn, bạn Nguyễn Thị Hà, cựu sinh viên khoa báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền cho chia sẻ: “Năm nhất, năm hai bọn mình toàn học các môn lý luận, thời đó chẳng mấy người học. Đến lớp để điểm danh, làm quen bạn bè là chính. Có những thầy cứ ngồi trên bục giảng đọc giáo trình cho sinh viên chép, lâu dần bọn mình chán, ngồi trên lớp toàn làm việc riêng. Chỉ đến khi học các môn chuyên ngành, cả lớp mới tập trung học hỏi nhiều hơn”.
Đến trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại tại số 2 Lê Đức Thọ sáng thứ 2 đầu tuần nhưng có vẻ khá vắng. Hỏi ra mới biết, đây chỉ là cơ sở đào tạo chuyên ngành y, dược của trường. Bùi Thị Ngọc, sinh viên năm nhất cho hay: “Lớp em khá đông, không khí học tập cũng không sôi nổi là mấy. Cũng chỉ được mấy bàn đầu là nghiêm túc, chăm chỉ chép bài. Còn lại các bạn cũng làm nhiều việc riêng. Bọn em đang học nhiều các môn lý luận nên các thầy cũng không mấy tâm huyết”.
Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang Hòa, nguyên Tổng biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô, giảng viên khoa Báo chí, Học viện Báo chí và tuyên truyền cho biết: “Tạo được hứng thú học tập, chất lượng buổi học tốt hay không phụ thuộc phần lớn vào phong trào học tập của trường và chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy. Bên cạnh đó, còn phải nhắc đến chất lượng tuyển sinh đầu vào của mỗi trường và động cơ học tập của sinh viên”.
Bạn Hoàng Sơn chia sẻ thêm: “Chúng em học theo hình thức tín chỉ. Mỗi môn học là một lớp, kéo dài trong 2,3 tuần. Lớp học không thân thiện, gắn bó nên không khí trong lớp thường rất trầm, chỉ ngồi ghi chép là chủ yếu chứ ít phát biểu. Với các môn học lý luận bắt buộc bọn em đến lớp để điểm danh là chủ yếu. Cuối môn dành 2,3 ngày học để thi là xong”.
Theo TS Nguyễn Quang Hòa, việc tạo hứng thú học tập cho sinh viên còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khách quan bên ngoài. Ví dụ như sinh viên có được học đúng ngành nghề mình thích, đam mê. Cách đào tạo, giảng dạy và quản lý sinh viên của các trường đại học nằm trong top yếu có hợp lý hay không. Cũng có những sinh viên chủ quan, đi học cho …bố mẹ, hoặc những sinh viên là con em trong ngành… số lượng đó học tập chểnh mảng, đối phó là điều không thể tránh.
Tạo khoảng cách giữa thầy và trò
Trong quá trình giảng dạy không phủ nhận thế mạnh của thiết bị, công nghệ hiện đại. Nhờ có thiết bị hiện đại, sinh viên tiếp cận bài giảng nhanh hơn, hứng thú hơn trong mỗi buổi học và được học bài một cách toàn diện, đầy đủ và thực tế nhất.
Nhưng sử dụng thiết bị hiện đại trong giảng dạy cũng đang gặp những trở ngại rất lớn. Đó là sự lạm dụng thiết bị hiện đại vào giảng đường. Nhờ có thiết bị, công nghệ nên mọi liên hệ, giao lưu, trò chuyện của thầy cô với sinh viên thông qua mạng internet, điện thoại di động… là chủ yếu. Vì thế vô tình thầy cô đã tạo khoảng cách với sinh viên.
Một thực tế khác chứng minh rõ điều này, trong mỗi giờ học có trình chiếu slide, nhiều bạn sinh viên sử dụng các loại điện thoại chụp lại nội dung trên màn hình máy chiếu. Vừa dễ chia sẻ với nhau trên mạng, vừa dễ quản lý bài, lại thuận tiện mở ra đọc chép khi làm bài thi… Vì vậy, việc học tập của sinh viên phụ thuộc vào ý thức tự học là chính. Chưa kể những bạn sinh viên mê game, mạng xã hội facebook… thì thời gian tự học hầu như là không có.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Hòa chia sẻ thêm, để chất lượng giờ dạy được nâng cao trước hết là ở tinh thần tự học của sinh viên. Trước khi đến lớp các em phải chuẩn bị bài, học bài. Nhưng đáng buồn, bây giờ ý thức tự học của sinh viên không cao. Ngay cả trong giờ giảng dạy các môn nghiệp vụ, những em nào xác định sau này sau này ra làm nghề mới tập trung học và làm bài nghiêm túc. Còn những em học chỉ để lấy cái bằng thì lại chểnh mảng, học cho có.
Theo quan sát của chúng tôi, tại thư viện Học viện Báo chí và tuyên truyền, cứ đến mùa thi, các bạn sinh viên kéo nhau về ôn luyện rất đông. Còn bình thường, thư viện chỉ lác đác vài ba bạn đến đọc sách báo, mượn tài liệu. Những hôm nắng nóng, thư viện trường còn là nơi …tránh nóng của rất nhiều sinh viên.
Như vậy, để một giờ học thực sự chất lượng đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Quan trọng, hàng đầu vẫn là chất lượng đội ngũ giảng viên rồi mới đến mục đích, động cơ học tập của sinh viên. Học đại học là quá trình chuyển đổi từ bị đào tạo sang tự đào tạo. Do vậy, vẫn còn rất nhiều thử thách mới cần các bạn sinh viên làm quen và trải nghiệm. Nó đòi hỏi sự nỗ lực của cả một hệ thống từ nhà trường, thầy cô, gia đình đến bản thân mỗi sinh viên chứ không chỉ cần sự nỗ lực của riêng ai…
Hạ Vũ