Theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), đến hết ngày 30-4, thí sinh cả nước sẽ kết thúc việc đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia gồm: Ðăng ký môn thi dùng để xét tốt nghiệp THPT và môn thi theo tổ hợp do các trường quy định dùng để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ).
Ðây là mối quan tâm, lo lắng không chỉ của các thí sinh, phụ huynh mà còn của toàn xã hội. Vì khi thí sinh đăng ký môn thi phù hợp năng lực, sở trường và theo học ngành nghề xã hội đang cần nguồn nhân lực sẽ mở ra cơ hội việc làm sau khi ra trường. Ngược lại, nếu thí sinh đăng ký không hợp lý, sau khi ra trường, cơ hội việc làm không nhiều, vừa thiệt thòi cho người học vừa gây sự lãng phí lớn trong xã hội. Thực tế những năm qua cho thấy, việc lựa chọn ngành nghề đăng ký tuyển sinh của nhiều thí sinh không đúng dẫn đến tình trạng, khi ra trường, cử nhân, thạc sĩ thiếu việc làm không còn là chuyện lạ. Có những thời điểm như đầu năm 2014, thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có hơn 162 nghìn cử nhân, thạc sĩ thiếu việc làm, tạo nên gánh nặng trong xã hội. Vì vậy, trong đăng ký tổ hợp môn thi dùng cho xét tuyển sinh ÐH, CÐ, thí sinh cần có sự lựa chọn kỹ càng, không đăng ký theo phong trào. Cần xác định rõ năng lực, sở trường trong học tập cũng như khả năng kinh tế của chính mình và gia đình để đăng ký. Mặt khác, thí sinh không nên lựa chọn ngành “hot” mà cần tham khảo các thông tin dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực để có sự lựa chọn hợp lý ngành nghề theo học cũng như khả năng tìm kiếm việc làm sau này. Việc xác định nhu cầu nguồn nhân lực của ngành nghề theo học không phải ở thời điểm lựa chọn môn thi mà cần tính toán với các dự báo nhân lực của 4 đến 5 năm sau khi tốt nghiệp ra trường. Từ đó cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo sẽ tốt hơn.
Ðối với các thầy giáo, cô giáo cũng như các trường phổ thông, cần cởi bỏ tâm lý càng nhiều học sinh thi ÐH, CÐ càng tốt. Quá trình dạy học cần nắm rõ sở trường, sở đoản cũng như hoàn cảnh của từng học sinh để có sự tư vấn định hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp. Về lâu dài, ngành GD và ÐT cần đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp trong hệ thống các trường phổ thông từ bậc THCS, tránh tình trạng đến lớp 12 mới thực hiện. Mặt khác, cần quy hoạch các ngành học ÐH, CÐ hợp lý, không để tình trạng đào tạo tràn lan, chất lượng thấp, không gắn với sử dụng nhân lực, dẫn đến hậu quả nặng nề là tỷ lệ không có việc làm của sinh viên mới ra trường ngày một tăng cao. Mặt khác, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh dự tính, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực các ngành nghề trong nền kinh tế, tạo kênh thông tin cần thiết, tin cậy để thí sinh dự thi có thể tham khảo đăng ký lựa chọn ngành nghề, vừa không gây vất vả cho chính người học, vừa không tạo gánh nặng lao động việc làm trong xã hội.
Có thể nói, trong quá trình đăng ký môn thi của thí sinh cần có sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía, vì việc lựa chọn môn thi của thí sinh gắn bó mật thiết với ngành nghề theo học và cơ hội việc làm sau khi ra trường. Nếu có sự lựa chọn tốt, vừa tạo cơ hội thuận lợi cho thí sinh vừa góp phần bảo đảm nguồn nhân lực phát triển kinh tế – xã hội.