Đổi mới giáo dục phổ thông: Cần nhưng phải chuẩn bị kỹ

Sáng 22/9, Ủy ban văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội thảo bàn về các vấn đề giáo dục phổ thông. Hàng loạt vấn đề bất cập hiện tại trong giáo dục đã được các đại biểu phân tích, mổ xẻ. Tuy nhiên hầu hết các ý kiến đều cho rằng, giáo dục phổ thông rất cần được đổi mới song Bộ GD&ĐT phải chuẩn bị thật kỹ trước khi thực hiện.

 

>> Giữ ổn định thi THPT quốc gia đến năm 2020

>> Đề xuất tách kỳ thi THPT quốc gia: ‘Bộ Giáo dục ôm quá nhiều việc’

>> Hai phương án cho mùa thi, tuyển sinh đại học năm 2018

 

Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được cho là đã lạc hậu, cần phải đổi mới.

Học chỉ để thi, thầy trò chỉ tập trung giải đề

Nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục phổ thông, bà Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu các đại biểu, chuyên gia trao đổi ba vấn đề trọng tâm tạo nên chất lượng giáo dục phổ thông, bao gồm: chương trình giáo dục, đội ngũ giáo viên và công tác quản lý.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan nhưng việc thực hiện các mục tiêu chất lượng giáo dục phổ thông vẫn còn hạn chế. Cụ thể, mức độ đạt được về kiến thức, kỹ năng, chênh lệch vùng miền, năng lực ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng của học sinh còn hạn chế. Cũng theo bà Nghĩa, một bộ phận học sinh hiện nay yếu về biểu hiện đạo đức, lối sống, năng lực giải quyết vấn đề, vận dụng kiến thức khó khăn.  Công tác hướng nghiệp chưa hiệu quả.

Đánh giá về chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, ông Nguyễn Đình Anh, nguyên trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD&ĐT Nghệ An, cho rằng: “Chỉ có khoảng 60% giáo viên đạt yêu cầu trở lên, trong đó có 20% giáo viên khá giỏi. Có khoảng 70% giáo viên không có năng khiếu sư phạm phải tham gia đứng lớp.” Theo ông Đình Anh, chương trình hiện nặng lý thuyết, dạy và học ngoại ngữ yếu kém, nhiều giáo viên chưa tâm huyết với nghề. “Bản thân giáo viên nếu có tâm huyết trong tổ chức thực hành, thí nghiệm cho học sinh cũng không hoàn thành tốt công việc bởi trong trường sư phạm họ cũng chưa được đào tạo”, ông Đình Anh nói.

Ông Đình Anh cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến chương trình phổ thông hiện nay còn tồn tại nhiều hạn chế là do sách giáo khoa ôm đồm, dàn trải, nặng hàn lâm và học sinh phải học quá nhiều môn học cũng như có sự yếu kém về công tác quản lý giáo dục.

Ông Tạ Quang Sum, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP Cam Ranh – Khánh Hòa) cho rằng, bên cạnh đổi mới nội dung, cũng cần thay đổi phương pháp dạy học, đặc biệt là thay đổi mạnh mẽ cách dạy ngoại ngữ. Theo ông Sum, hiện nay, học sinh cần được hội nhập, cần có ngôn ngữ thứ 2 nhưng thực tế dạy học hiện nay chỉ để phục vụ thi cử. Thầy trò chỉ tập trung giải đề thi, luyện thi mà quên trang bị cho học sinh phương tiện để giao tiếp.

Nên chuẩn bị kỹ chương trình phổ thông mới

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới cho biết, chương trình mới chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Chương trình đã xác định số lượng môn học và hoạt động giáo dục, thời lượng giáo dục ở từng cấp học phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta.

Cũng theo ông Thuyết, lần đầu tiên, chương trình GDPT mới sẽ không quy định số tiết dành cho mỗi môn học và hoạt động giáo dục trong từng tuần mà chỉ quy định thời lượng trong một năm, dành quyền cho cơ sở giáo dục tự sắp xếp thời khóa biểu.

TS Phạm Văn Hùng, giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên – Huế cũng đồng tình với quan điểm triển khai chương trình GDPT mới bởi chương trình hiện hành đã lạc hậu. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần cân nhắc một số vấn đề, trong đó có việc giao quyền cho trường học bởi trong điều kiện nguồn lực tài chính chưa đảm bảo, không phải chất lượng trường nào cũng giống nhau, đặc biệt các trường vùng sâu, vùng xa khó thực hiện đổi mới trong 2-3 năm tới.

Cũng có ý kiến kiến nghị, Bộ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thực hiện, xây dựng lộ trình thích hợp cho từng trường. Trường nào đảm bảo điều kiện có thể triển khai trước, trường chưa đủ điều kiện sẽ triển khai sau không nhất thiết phải triển khai đồng loạt trên toàn quốc. Đồng thời rà soát lại đội ngũ giáo viên, để có giải pháp đào tạo lại, đào tạo mới giáo viên đáp ứng chương trình đổi mới.

Chất lượng giáo viên, bài toán khó!

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo cho biết, cả nước hiện có 800.000 giáo viên, gần 70.000 cán bộ quản lý các cấp học. Đây là lực lượng then chốt để thực hiện công cuộc đổi mới, trong đó chất lượng đội ngũ đạt chuẩn và trên chuẩn tới 98%. Cũng theo ông Minh, hiện một số nơi vẫn còn việc thừa thiếu giáo viên giữa các bậc, một số giáo viên chưa có tâm thế đổi mới, ngại đổi mới. Tuy nhiên, tới đây, Bộ có kế hoạch phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, giao Trường ĐH sư phạm nghiên cứu, rà soát tỉ lệ thừa, thiếu để có kế hoạch đào tạo nguồn lực trong những năm tới.

Tuy nhiên, TS Phạm Văn Hùng kiến nghị, các trường sư phạm nếu có kế hoạch đào tạo hoặc đào tạo lại giáo viên cần phải gấp gáp triển khai, bởi chậm một năm sẽ khiến hàng nghìn giáo viên khổ sở và hàng triệu học sinh khổ theo. Chưa hết, trong đào tạo giáo viên, các trường phải tính đến số giáo viên đã đào tạo đang thất nghiệp…

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ cho rằng, giáo dục phổ thông cực kỳ quan trọng bởi nó góp phần hình thành nhân cách, cách sống và cảm xúc xã hội của con người. Đã đến lúc phải đổi mới nhưng vấn đề đặt ra là chương trình phải phù hợp với đa số học sinh và giáo viên trên toàn quốc. Vì thế phải chú ý phương pháp đánh giá, công tác chuẩn bị như: cơ sở vật chất và đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giỏi, có tâm.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *