Ngành công nghệ thông tin

Công nghệ thông tin (CNTT) sử dụng hệ thống các thiết bị và máy tính (bao gồm phần cứng, phần mềm) để cung cấp một giải pháp xử lý thông tin trên nền công nghệ cho các cá nhân, tổ chức có yêu cầu. Giải pháp CNTT rất đa dạng, phần mềm quản lý nhân viên trong cơ quan, tổ chức; website dạy học qua mạng; hệ thống máy tính phục vụ cho nhu cầu tính cước, phần mềm trên các thiết bị di động; hoặc những chương trình giải trí trên Internet v.v… Bởi vậy, đối tượng phục vụ của ngành CNTT ngày càng phong phú.

·        Điều kiện làm việc

Môi trường làm việc trong ngành CNTT rất đa dạng với nhu cầu nhân lực rất lớn. Ngoài những công ty chuyên về tin học, hiện nay hầu như mọi tổ chức, cơ quan đều sử dụng hệ thống máy vi tính và cần người có chuyên môn về CNTT. Ngoài ra, bạn cũng có thể cùng với một số đồng nghiệp khác lập ra một nhóm hay công ty của riêng mình. CNTT có mặt ở khắp mọi nơi, hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là ngành được đầu tư và chú trọng ở mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

·        Phẩm chất và kỹ năng cần thiết

  • Thông minh và có óc sáng tạo
  • Khả năng làm việc dưới áp lực lớn

  • Kiên trì, nhẫn nại

  • Tính chính xác trong công việc

  • Ham học hỏi, trau dồi kiến thức

  • Khả năng làm việc theo nhóm

  • Trình độ ngoại ngữ (để tiếp cận kho tàng phong phú về CNTT từ các cuốn sách điện tử và Internet)

Và quan trọng nhất là niềm đam mê với CNTT

·        Một số địa chỉ đào tạo

Nếu bạn muốn theo học ngành CNTT, có rất nhiều địa chỉ để bạn lựa chọn:

  • Khoa Công nghệ thông tin của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Tp.Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) v.v…
  • Các trung tâm nổi tiếng chuyên đào tạo về mạng như HanoiCTT, SaigonCTT, Công ty IPMAC, Trung tâm tin học Trí Việt (VnPro), Trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech ở Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh v.v…

MỘT SỐ NGHỀ NGHIỆP TRONG NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Công việc của người làm CNTT chuyên nghiệp thường nằm ở một trong những mảng chủ yếu sau:

LẬP TRÌNH (Tham khảo thêm trong phần giới thiệu về ngành Phát triển phần  mềm).

Công việc chính của lập trình viên là sử dụng những công cụ và ngôn ngữ lập trình để phân tích, thiết kế, tạo ra những phần mềm, website, trò chơi cung cấp cho thị trường. Đây là nghề đang phát triển mạnh ở nước ta và được nhiều bạn trẻ quan tâm. Các công ty phần mềm nghiên cứu, xây dựng, phát triển và cung cấp các phần mềm, các ứng dụng xây dựng website, games v.v… cho thị trường là điểm đến của các lập trình viên.

CHẾ TẠO, LẮP RÁP VÀ SỬA CHỮA PHẦN CỨNG

Những người làm trong lĩnh vực này có khả năng chế tạo, sửa chữa hay lắp ráp, lắp đặt các thiết bị, linh kiện của máy tính như ổ cứng, bo mạch, bộ vi xử lý. Các công ty sản xuất, lắp ráp và sửa chữa thiết bị phần cứng đang hứa hẹn một nền công nghiệp hùng mạnh trong tương lai.

THIẾT KẾ GIẢI PHÁP TÍCH HỢP

Công việc này đòi hỏi các chuyên gia phải am hiểu cả phần cứng và phần mềm, có khả năng thiết kế các giải pháp trọn gói cho một công ty, tổ chức về cả phần cứng lẫn phần mềm, dựa trên yêu cầu cụ thể. Họ làm nhiệm vụ tại các công ty cung cấp giải pháp tích hợp hiện đang trong đà phát triển tại Việt Nam.

QUẢN TRỊ HỆ THỐNG VÀ AN NINH MẠNG

Ngày nay, hầu hết các công ty, doanh nghiệp, tổ chức đều có hệ thống máy vi tính kết nối mạng. Người làm công tác quản trị hệ thống và an ninh mạng có nhiệm vụ bảo đảm cho hệ thống vận hành suôn sẻ, giải quyết trục trặc khi hệ thống gặp sự cố, đảm bảo an toàn và bảo mật cho dữ liệu. Trong lĩnh vực này, bạn sẽ làm việc tại các công ty cung cấp giải pháp về mạng và an ninh mạng, các cơ quan, doanh nghiệp v.v…

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *