Đề thi THPT bám sát sách giáo khoa và phân hóa cao

Để giúp các thí sinh có thể định hướng được hướng ra đề kỳ thi THPT quốc gia, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với các thầy cô giáo quanh đề thi và đáp án minh họa.

Mua hồ sơ dự thi THPT quốc gia tại văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT ở TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

* Thầy Nguyễn Tiến Long (giáo viên vật lý Trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội):

“Đề vật lý, chăm học có thể đạt điểm 7”

Dựa vào đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT vừa công bố, theo quan điểm cá nhân, tôi phân thành ba mức: rất cơ bản 30/50 câu (60%), khá khó 12/50 câu (24%) và khó 8/20 câu (16%). Đề thi có cấu trúc khá giống đề thi ĐH 2014 và còn mang tính kế thừa cao (ví dụ câu khó 26 phần điện).

Phân cấp câu hỏi như vậy, nhưng nội dung đề thi hầu hết đều nằm trong kiến thức cơ bản, học sinh nên bám sát sách giáo khoa và chăm chú một chút đã có thể đạt 7 điểm.

Tôi cho rằng đề thi minh họa khá hay và tính toán kỹ, phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH với yêu cầu chuẩn kiến thức, và dần chuyển đổi sang hướng thí nghiệm thực hành.

Tuy nhiên, do dạng câu hỏi không có gì mới, nhất là so sánh với đề năm trước và cách dạy học hiện nay, thì việc tuyển sinh đối với các trường tốp đầu sẽ gặp nhiều khó khăn, vì phổ điểm môn vật lý của thí sinh đăng ký vào các trường này khá đồng đều.

* Cô Vũ Tâm (giáo viên môn sinh học Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng):

“Đề thi môn sinh khó cho các trường ĐH tốp đầu sàng lọc”

Nếu đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013 nặng về bài tập, đề thi năm 2014 nặng về lý thuyết thì đề thi minh họa cho năm nay cân bằng hơn về tỉ lệ bài tập và lý thuyết, nhưng độ khó được giảm bớt. Số câu hỏi có tính phân hóa ít, chủ yếu câu hỏi rơi vào kiến thức, kỹ năng cơ bản.

Vì thế những học sinh chuyên về khối B, học giỏi môn sinh có thể đạt điểm giỏi một cách dễ dàng. Nếu đề thi chính thức môn sinh cũng ra tương tự như thế này, chắc chắn các trường ĐH tốp đầu có môn sinh trong tổ hợp môn thi để xét tuyển sẽ gặp khó khăn khi hàng loạt học sinh đạt kết quả giống nhau. Đặc biệt là trường y sẽ bị lúng túng vì nhiều học sinh đạt điểm 9,5-10.

* Cô Đậu Thị Hải Vân (giáo viên môn lịch sử Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng):

“Đề lịch sử phân hóa rất rõ trình độ học sinh”

Về độ khó, đề thi minh họa môn lịch sử tương đương với đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH – CĐ. Trong đó, theo biểu điểm, câu hỏi yêu cầu nhận biết là 3 điểm, câu hỏi yêu cầu thông hiểu là 2 điểm. Học sinh có học lực trung bình, dự thi môn lịch sử để xét tốt nghiệp THPT thì chỉ cần hoàn thành những câu hỏi này là đủ điều kiện tốt nghiệp.

Câu hỏi có tính vận dụng thấp chiếm 2-3 điểm, câu yêu cầu vận dụng cao (câu hỏi mở) 2 điểm. Như vậy thí sinh dự thi để lấy kết quả xét tuyển ĐH cũng có phân hóa, trong đó để đạt điểm giỏi vào các trường tốp đầu, các em phải đạt yêu cầu của câu hỏi vận dụng cao.

Ở phần đáp án của đề thi minh họa môn lịch sử, hướng dẫn chấm câu hỏi mở cũng linh hoạt, cho phép giám khảo chấm điểm khách quan, tôn trọng ý kiến của thí sinh, dù là ý kiến trái với số đông. Nếu đề thi thật cũng được như đề thi minh họa thì tôi thấy thế là ổn.

* Cô Bùi Thị Nhiệm (giáo viên địa lý Trường THPT Hà Nội – Amsterdam):

“Đề địa lý nhẹ nhàng”

Ma trận đề, số lượng câu hỏi cùng với khối lượng kiến thức yêu cầu trong đề thi minh họa môn địa lý là hoàn toàn hợp lý. Trên thực tế, rất nhiều thí sinh đăng ký thi môn địa lý chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT nên một đề thi có độ khó vừa phải, nhẹ nhàng, có tỉ lệ nhất định câu hỏi bám sát kiến thức cơ bản như đề thi minh họa vừa được Bộ GD-ĐT công bố sẽ thuận lợi cho thí sinh.

* Cô Lê Thị Tuyết Anh (giáo viên môn văn Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM):

“Môn văn chú trọng năng lực sáng tạo của thí sinh”

Theo tôi, thang điểm của các câu hỏi khá hợp lý, đề thi có chú trọng đến năng lực đọc – hiểu, năng lực sáng tạo của thí sinh.

Tuy nhiên câu 1 (câu hỏi đọc – hiểu) quá dài: đề thi dài và bài làm của thí sinh cũng dài. Tôi đã giải thử và mất 30 phút viết ra giấy. Đó là mọi kiến thức đã nằm sẵn trong đầu tôi rồi, chỉ việc viết ra thôi. Còn đối với học sinh chắc sẽ mất nhiều thời gian hơn, nhất là học sinh trình độ trung bình sẽ vất vả với câu hỏi này. Khi câu đọc – hiểu chiếm nhiều thời gian thì dễ xảy ra tình trạng học sinh sẽ làm câu nghị luận văn học, nghị luận xã hội không trọn vẹn.

Đó là chưa kể nội dung câu hỏi đọc – hiểu của đề thi mẫu có phần kiến thức của chương trình lớp 10 và lớp 11 nữa.

Riêng câu hỏi về nghị luận văn học được xem là câu khó, đòi hỏi sự sáng tạo của thí sinh, tôi cho rằng như vậy là phù hợp vì đề thi còn nhằm mục đích tuyển sinh ĐH. Với đề thi theo cách này sẽ có tác động tích cực đến quá trình đổi mới phương pháp dạy và học trong trường phổ thông.

* Thầy Đoàn Văn Ấn (giáo viên môn tiếng Anh Trường THPT Hồng Đức, TP.HCM):

“Môn tiếng Anh sẽ rất khó khăn với học sinh trung bình, yếu”

Với đề thi môn tiếng Anh tốt nghiệp THPT của năm 2014: học sinh trung bình có thể đạt 6-7 điểm, thì với đề thi mẫu mà Bộ GD-ĐT mới công bố, học sinh trung bình chỉ có thể đạt 4 điểm. Đa số câu hỏi của đề thi mẫu đều có mức độ khó tương đương với đề thi tuyển sinh ĐH những năm trước, sẽ rất khó khăn đối với thí sinh có học lực trung bình, yếu.

Thế nhưng, nếu so sánh với đề thi tuyển sinh ĐH môn tiếng Anh khối D của năm trước thì đề mẫu lại có phần dễ hơn. Tóm lại, đề theo dạng như thế này có sự phân loại thí sinh rất rõ ràng.

* Thầy Đỗ Khánh Giang (giáo viên môn toán Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM):

“Môn toán, học sinh khá sẽ dễ đạt điểm 7”

Theo tôi, có lẽ vì chỉ mang tính minh họa nên một số câu hỏi của đề chưa được chọn lọc kỹ càng, nội dung chưa phù hợp thực tế giảng dạy trong nhà trường phổ thông (kiến thức về đường tròn bàng tiếp) hoặc gây thắc mắc cho giáo viên và học sinh (phần lượng giác trong câu 2a).

Nhìn vào đề minh họa, một học sinh với sức học trung bình có thể đạt điểm 5 tương đối dễ dàng. Học sinh khá sẽ dễ đạt được điểm 7.

* ThS Nguyễn Hiền Hoàng (giảng viên khoa hóa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

“Môn hóa: câu khó nằm trong chương trình lớp 12!”

Đề thi mẫu có cả kiến thức lớp 10, 11, 12. Số lượng câu hỏi dễ nằm trong phần kiến thức lớp 10, 11, số lượng câu hỏi khó lại nằm trong chương trình lớp 12. Điều này sẽ gây khó khăn cho học sinh trung bình – yếu, học sinh vùng sâu, vùng xa. Nếu đề thi chính thức cũng như đề thi mẫu thì dự đoán tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm nay sẽ thấp hơn các năm trước.

Thế nhưng, khi so sánh với đề thi tuyển sinh ĐH năm trước thì số câu khó lại ít hơn. Tôi đang băn khoăn nếu như vậy thì mục tiêu tuyển sinh ĐH có đạt được hay không?

Không để thí sinh bỏ thi vì gặp khó khăn

Ngày 1-4, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về tăng cường chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ sở GD-ĐT, các địa phương để hoàn thiện phương án, kế hoạch triển khai kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, trên cơ sở tiếp thu ý kiến, góp ý rộng rãi, công bố công khai kế hoạch bố trí cụm thi tại các địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường ĐH – CĐ sớm công bố rộng rãi, công khai phương án tuyển sinh của các trường để thuận tiện cho thí sinh có định hướng đăng ký xét tuyển, chỉ đạo các trường ĐH chuẩn bị tốt nhất các khâu coi thi, chấm thi và tuyển sinh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tuyển sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tránh gây phiền hà cho thí sinh trong quá trình thi và tuyển sinh.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành GD-ĐT phối hợp với chính quyền, các ban ngành, các lực lượng xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ học sinh ở vùng sâu, vùng xa, học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số, đảm bảo không có thí sinh do gặp khó khăn mà phải bỏ thi.

V.Hà

Lệ phi thi THPT Quốc gia để xét tuyển ĐH: 35.000 đồng/môn

Mức lệ phí này sẽ áp dụng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 được quy định tại thông tư liên tịch của Bộ Tài chính – Bộ GD-ĐT quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh 2015) vừa được ban hành.

Theo đó, thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường trung cấp, CĐ, ĐH sẽ phải đóng mức phí dự thi 35.000 đồng/môn. So với năm 2014, lệ phí thi tính trên từng môn không thay đổi (35.000 đồng/môn).

Tuy nhiên, năm 2015 vì thi đã tách khỏi tuyển nên ngay khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh sẽ phải đóng phí dự tuyển 30.000 đồng/hồ sơ. Mức phí dự tuyển này tương đương mức phí nộp hồ sơ trong đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung các năm trước.

Bộ GD-ĐT cũng lưu ý mức phí dự thi 35.000 đồng/môn chỉ áp dụng với thí sinh có mục đích sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Trường hợp thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia chỉ với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ không phải đóng phí dự thi.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *