Khi sử dụng thuốc kháng sinh cần tôn trọng nguyên tắc 3Đ: đúng (thuốc), đủ (liều lượng), đều (phân liều đều đặn trong 24 giờ để duy trì nồng độ kháng sinh trong máu). Việc dùng kháng sinh một cách bừa bãi sẽ dẫn đến những tác hại vô cùng nguy hiểm.
Vi khuẩn trị lại kháng sinh.
Các bệnh có thể chữa trị được như viêm họng, viêm tai hay lao nay đều có thể trở nên bất trị. Những mầm bệnh của hầu hết các bệnh nhiễm trùng bắt đầu kháng cự lại các thuốc có thể điều trị. Đấy chính là hiện tượng “nhờn” thuốc (vi khuẩn đã tìm cách trị lại được kháng sinh), khiến người ta phải thường xuyên tung ra thị trường nhiều loại kháng sinh mới để đối phó. Việc kháng thuốc của vi khuẩn lại được di truyền để tạo ra những chủng vi khuẩn đề kháng kháng sinh. Bằng các phản ứng men, chúng ngăn cản sự vận chuyển của kháng sinh, biến đổi mục tiêu tác động hoặc làm mất hoạt tính của kháng sinh.
Tác dụng phụ
Kháng sinh có thể gây ra nhiều phản ứng có hại nếu không được dùng đúng cách, như:
- Penicillin, Streptomycin: Nguy hiểm nhất là sốc phản vệ gây tử vong. Nếu được dùng trong một thời gian dài, Streptomycin có thể gây điếc cho bệnh nhân.
-
Gentamicine, Kanamicine: Gây độc cho tai và thận
-
Chloramphanicol: Được xem là thần dược trị bệnh thương hàn trong những năm 50-60, nó bị lạm dụng quá nhiều và hiện nay đã “nhờn” thuốc. Nếu dùng bừa bãi, thuốc này có thể gây suy tuỷ, ngộ độc hoặc gây ra hội chứng xanh tái ở trẻ sơ sinh.
-Lincocin: Có thể gây tiêu chảy trầm trọng
- Tetracilin: Gây rối loạn tiêu hoá. Không dùng cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 8 tuổi vì nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển răng của trẻ.
-
Sulfamid: Gây vàng da ở trẻ sơ sinh, hạ bạch cầu, gây suy tuỷ và dị ứng da nặng.
Người Lao Động, 29/5