TTO – Bộ GD-ĐT vừa công bố phổ điểm theo một số khối xét tuyển truyền thống. Khoảng điểm mà nhiều thí sinh đạt được ở các khối A, A1, B ở mức trên 20 điểm. Trong khi khối D, C từ 18 đến 19 điểm.
Ở tổ hợp khối A1 (toán – lý – tiếng Anh), trên bảng phân tích khoảng điểm 1,0 thì khoảng có nhiều thí sinh đạt được nhất là từ trên 21 đến 22 điểm (35.449 thí sinh). Có 20 thí sinh đạt ở mức trên 29 đến 30 điểm và 503 thí sinh đạt ở mức trên 28 đến 29 điểm.
Khối B (toán – hóa – sinh), trên bảng phân tích khoảng điểm 1,0 thì khoảng có nhiều thí sinh đạt được nhất là trên 20 đến 21 điểm (45.545 thí sinh). Có 73 thí sinh đạt ở mức từ trên 29 đến 30 điểm và 613 thí sinh đạt ở mức trên 28 đến 29 điểm.
Khối D (toán – văn – tiếng Anh) theo phổ điểm với khoảng điểm 1,0 thì số thí sinh đạt được nhiều nhất ở khoảng từ trên 18 đến 19 điểm (72.616 thí sinh). Có 3 thí sinh đạt ở khoảng từ trên 29 đến 30 điểm và 229 thí sinh đạt ở khoảng từ trên 28 đến 29 điểm.
Khối C (văn – sử – địa), theo phổ điểm với khoảng điểm 1,0 thì khoảng mà thí sinh đạt được nhiều nhất là từ trên 18 đến 19 điểm (67.200 thí sinh). Có 2 thí sinh đạt được mức từ trên 29 đến 30 điểm và 225 thí sinh đạt ở khoảng trên 28 đến 29 điểm.
Ngày 5-8, các trường đại học công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển. Từ ngày 7 đến 17-8, thí sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng. Ngày 23-8, các trường đại học công bố điểm xét tuyển đợt 1 và ngày 1-9, thí sinh trúng tuyển đại học xác nhận nhập học.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học dành chỉ tiêu để xét tuyển đối với thí sinh dự thi đợt 2 hoặc được xét tốt nghiệp đặc cách đợt 2 đăng ký tham gia xét tuyển bằng các hình thức khác nhau tùy thuộc phương án tuyển sinh của mỗi trường.