Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất cố gắng trong việc đổi mới thi cử với mục tiêu tạo nhiều cơ hội cho thí sinh có thể đỗ Đại học; song rõ ràng, còn nhiều bất cập trong việc xét tuyển Đại học năm nay, cần sớm được rút kinh nghiệm và thay đổi trong những đợt tới, năm tới. Điều này, bản thân Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã thừa nhận trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chiều 21/8.
Nhiều trường đã xét tuyển xong
Báo cáo nhanh của Bộ GD – ĐT về đợt xét tuyển nguyện vọng 1 cho thấy: Trong số hơn 400 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, có 108 trường đại học và 21 trường cao đẳng có số thí sinh đăng ký xét tuyển lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Thí sinh và người nhà trong ngày cuối của đợt xét tuyển nguyện vọng 1 tại ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội |
Một số trường ĐH ngoài công lập có lượng thí sinh đăng ký xét tuyển cao như: Trường ĐH Võ Trường Toản (107% so với chỉ tiêu của trường), Trường ĐH Buôn Ma Thuột (93%), Trường ĐH Hoa sen (91%), Trường ĐH Văn Lang (80%), HUTECH (60,8%), Trường ĐH Thăng Long (60%). Có khoảng 10 trường khác đạt từ 50% trở lên, đủ chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia. Các trường này đều khẳng định so với kết quả xét tuyển đợt 1 của năm 2014, kết quả xét tuyển đợt 1 năm nay tốt hơn cả về số lượng và chất lượng.
Đại diện Bộ GD – ĐT cũng cho biết, đến hết ngày 20/8/2015 đã có 569. 843 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Như vậy, phần lớn số thí sinh đạt điểm trên sàn ĐH, CĐ đã tham gia xét tuyển nguyện vọng 1.
Nguyên nhân từ nhiều phía
PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ phân tích: “Kỳ thi đã diễn ra khá suôn sẻ, tốt đẹp. Sự phức tạp chỉ bắt đầu khi xét tuyển. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: Thứ nhất, thí sinh, do là năm đầu tiên thực hiện đổi mới xét tuyển, nên phụ huynh chưa quen. Là người trong cuộc, nên thí sinh không khỏi nôn nóng và hoang mang thái quá, thay vì cần bình tĩnh để suy xét, quyết định nộp vào ngành nào trường nào. Phần lớn những em điểm cao ngay từ đầu đã xác định được vị trí của mình. Số thí sinh chạy loạn từ trường này sang trường khác là do có điểm thi thấp hơn, trong đó nhiều em không tự lượng được sức mình, không cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ, mà xét tuyển đại học với suy nghĩ bằng mọi giá tìm được trường đậu để học.
Nguyên nhân tiếp theo là các trường đại học chưa làm hết chức năng và khả năng của mình, làm cho nỗi hoang mang của người dân nhân lên. Nhiều trường đã quá tin và thụ động ngồi chờ phần mềm xét tuyển của Bộ. Trong quá trình xét tuyển, trường công bố cùng lúc cả 4 nguyện vọng, vì không lọc được lượng thí sinh ảo nên nhiều thí sinh, phụ huynh hoang mang, lo lắng rồi vội vã rút hồ sơ vì không biết đậu hay rớt. Ngay chúng tôi chuyên làm về công tác tuyển sinh, mà khi nhìn vào bảng danh sách thí sinh các trường cập nhật cũng không thể dự đoán khả năng đậu – rớt, huống hồ là thí sinh”.
Còn theo GS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân của sự lộn xộn trong xét tuyển nguyện vọng 1 chính là sự ngộ nhận của phụ huynh và thí sinh về năng lực thật của các em. Điều này xuất phát từ đề thi năm nay. Do phải tích hợp 2 kỳ thi trong 1, đề thi năm nay phải dễ để đảm bảo tỷ lệ đậu tốt nghiệp khiến điểm khá cao, gây ngộ nhận cho thí sinh và gia đình. “Thực chất, những em 18 – 19 điểm năm nay chỉ tương đương 13 – 14 điểm năm ngoái, nhưng ít ai đề cập vấn đề này, làm các em cứ nghĩ 18 – 19 điểm là có thể vào các trường tốt và tập trung nộp hồ sơ vào các trường này, khiến giờ chót phải rút.
Nguyên nhân tiếp theo là sự vô trách nhiệm của lãnh đạo các trường lớn. Sau khi có điểm sàn, lãnh đạo các trường không phân tích dữ liệu các năm trước để đưa ra điểm nộp hồ sơ phù hợp với trường mình. Nên nhớ là các em thí sinh rất non nớt, khi thấy các trường công bố 15 điểm là có thể nộp và các em nghĩ là điểm có thể đậu. Điều này lại gây thêm một sự ngộ nhận thứ hai còn trầm trọng hơn vì có vài trăm ngàn thí sinh khu vực 15 – 20 điểm nộp sai địa chỉ”. GS.TS Đỗ Văn Dũng cũng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn nửa vời, trình độ công nghệ hiện nay đã cho phép thí sinh ngồi tại nhà thay đổi nguyện vọng ưu tiên hoặc thay đổi trường đăng ký mà không phải đi lại tốn kém; nhưng Cục khảo thí của Bộ đã không đi theo hướng này, nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh, mà chỉ tập trung vào quản lý điểm số.
Theo lãnh đạo của một số trường ĐH, nếu như thông tin được chuẩn bị kỹ hơn và phổ biến cho thí sinh tốt hơn, hệ thống công nghệ thông tin hoạt động hoàn hảo cho phép thí sinh rút – nộp hồ sơ dễ dàng qua mạng, thì có lẽ việc xét tuyển đã không rối như canh hẹ như vậy. “Các trường cần phân tích phổ điểm ngay khi có điểm để thí sinh tiện theo dõi. Về phần mình, Bộ cần công bố các dữ liệu để thuận tiện cho các trường làm tuyển sinh, chứ không ôm đồm như hiện nay”, một đại diện trường ĐH chia sẻ.
Về phía Bộ GD – ĐT, theo Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga: “Một bộ phận thí sính và gia đình căng thẳng, lo lắng trong việc cập nhật thông tin và thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển; một bộ phận thí sinh và gia đình phải đi lại tốn kém đã gây nên bức xúc. Nguyên nhân của những bức xúc trong việc xét tuyển nguyện vọng 1 do việc cho thí sinh thay đổi nguyện vọng liên tục. Việc thời gian đăng ký kéo dài 20 ngày và thí sinh có 4 nguyện vọng để đăng ký xét tuyển trong một trường cũng là các nguyên nhân dẫn tới những bức xúc vừa qua của thí sinh và phụ huynh trong việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1”.
Cũng theo Thứ trưởng Ga, trước những hạn chế trong việc xét tuyển nguyện vọng 1, Bộ GD – ĐT sẽ rút kinh nghiệm về những vướng mắc trong quá trình triển khai đợt xét tuyển nguyện vọng 1 vừa qua để có những điều chỉnh, chỉ đạo các sở GD – ĐT, các trường làm tốt hơn cho những đợt xét tuyển bổ sung sắp tới. Bộ GD – ĐT sẽ có những điều chỉnh một cách tổng thể, chuẩn bị tốt hơn cho kỳ thi năm sau và các năm tiếp theo, với mục tiêu là tạo thuận lợi nhất cho học sinh và giảm tốn kém cho xã hội.