Hôm nay (24-9), các trường ĐH-CĐ công bố kết quả đợt 2 xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS) (từ ngày 11 đến 21-9). Ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM đến hôm qua (23-9), nhiều trường ĐH-CĐ vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Bên cạnh các trường tuyên bố tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển NVBS đợt 3 thì nhiều trường thông báo ngưng xét tuyển vì cho rằng nguồn tuyển sinh đã cạn.
Tuyển không đủ, sa thải bớt giáo viên
Với tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu, nhiều trường ĐH-CĐ phải đối mặt với những khó khăn trong hoạt động đào tạo. PGS Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết đợt 1 xét tuyển NV (từ ngày 1 đến 20-8), trường còn may mắn nhận được khoảng 1.800 hồ sơ nhưng cả hai đợt xét NVBS (từ ngày 26-8 đến 7-9 và từ ngày 11 đến 21-9) thì tình cảnh tồi tệ hơn rất nhiều. Hiện giờ chưa ngành nào của trường này tuyển đủ chỉ tiêu.
“Trong cả hai đợt xét NVBS, chúng tôi chỉ nhận được hơn 100 hồ sơ. Như vậy, tính cả ba đợt xét tuyển trường còn thiếu hơn 3.000 chỉ tiêu tuyển sinh. Chúng tôi chán quá rồi nên đã giải tán khu vực đón tiếp thí sinh (TS) làm thủ tục đăng ký xét tuyển. Trong đợt xét tuyển kế tiếp, TS có đến đăng ký thì qua văn phòng giáo vụ của trường thôi” – ông Hóa ngán ngẩm.
Ông Hóa cũng thừa nhận chưa bao giờ tình trạng tuyển sinh của trường lại rơi vào cảnh trớ trêu như hiện nay. Việc tuyển thiếu nhiều chỉ tiêu khiến trường đối mặt với những khó khăn: thừa rất nhiều giảng viên, dư hơn vài chục ngàn m2 phòng học. “Nếu tình trạng này kéo dài thì trường phải sa thải bớt giáo viên” – ông Hóa nói.
Trường CĐ Cộng đồng (Hà Nội) cũng phải đối mặt với những khó khăn vì thiếu nguồn tuyển trầm trọng. Kết thúc ba đợt xét tuyển trường mới tuyển được khoảng 30% trong tổng số 700 chỉ tiêu. Đại diện phòng đào tạo cho biết nhà trường tiếp tục nhận hồ sơ đến hết ngày 25-10 với mong muốn tuyển thêm được TS, vì việc tuyển không đủ chỉ tiêu khiến nhà trường gặp khó khi bố trí giảng dạy.
Tương tự, nhiều trường ĐH-CĐ khác thuộc khu vực Hà Nội như ĐH Kinh doanh và Công nghệ, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Công nghiệp Việt-Hung, CĐ Điện tử-Điện lạnh Hà Nội… cũng không tuyển được TS. Mệt mỏi với công việc tuyển sinh kéo dài, nhiều trường đã bỏ việc thống kê danh sách TS đăng ký xét tuyển theo ngày. Thay vào đó, nếu TS nào đến mà đủ điều kiện trường sẽ cấp giấy báo nhập học sau 5-10 phút.
Duy trì lớp học thay vì đóng cửa
Trong khi đó, tình hình xét tuyển NVBS của các trường ĐH-CĐ khu vực TP.HCM cũng không khá hơn. Sau hai đợt xét tuyển, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu (6.200 chỉ tiêu ĐH và 1.200 chỉ tiêu CĐ), do vậy trường này tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển NVBS đợt 3. Phụ trách bộ phận tuyển sinh của trường cho biết hiện vẫn còn 1.400 chỉ tiêu xét tuyển cho tất cả ngành đào tạo.
Đặc biệt, nhóm ngành kỹ thuật của trường này là kiến trúc và thiết kế thiếu khá nhiều chỉ tiêu. Bộ phận tuyển sinh cho hay ngành kiến trúc thiếu 100 chỉ tiêu bậc ĐH và thiết kế đồ họa thiếu 150 chỉ tiêu bậc ĐH và 50 chỉ tiêu bậc CĐ.
May mắn hơn, Trường ĐH Văn Hiến cho biết đã tuyển gần đủ chỉ tiêu (2.500) cho các ngành. Tuy nhiên, hai ngành đặc thù là ngành piano, thanh nhạc; ngành ngôn ngữ Trung Quốc và các lớp chất lượng cao ngành quản trị kinh doanh, chuyên ngành kinh doanh quốc tế và quản trị doanh nghiệp thủy sản chưa đủ.
Phụ trách truyền thông của trường cho hay dù còn thiếu chỉ tiêu ở các ngành đặc thù nhưng trường sẽ không xét tuyển bổ sung đợt 3.
ThS Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Tư vấn – Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Hoa Sen, cho biết trong khi các nhóm ngành kinh tế, dịch vụ đã lấp kín chỉ tiêu thì ngược lại, hai nhóm ngành khoa học công nghệ (công nghệ thông tin, mạng máy tính, kỹ thuật phần mềm) và thiết kế (thời trang, nội thất, đồ họa) lại tuyển không đủ. Trong khi các năm trước số TS đăng ký học hai nhóm ngành này khá cao.
Ông Bình phân tích nhu cầu doanh nghiệp vẫn rất cần nhân lực thuộc hai nhóm ngành khoa học công nghệ và thiết kế nên trường sẽ cân nhắc kỹ để tiếp tục duy trì hai nhóm ngành này đủ duy trì lớp học thay vì đóng cửa. Ông Bình cũng cho biết trường sẽ không tiếp tục xét tuyển bổ sung đợt 3 vì xét thấy nguồn tuyển không còn dồi dào.
Trước tình hình tuyển sinh ảm đạm và có nhiều thay đổi trong lựa chọn ngành học, dự kiến cuối tháng 10 này, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo đánh giá kỳ thi vừa qua và công tác tuyển sinh, đồng thời đề ra phương hướng khắc phục cho năm tới.
Số trường ĐH phình to
Phó hiệu trưởng phụ trách tuyển sinh một trường CĐ ngành dịch vụ, du lịch tại TP.HCM cho rằng nhiều năm nay công tác tuyển sinh tại các trường ĐH-CĐ ngoài công lập gặp nhiều khó khăn, không tuyển đủ chỉ tiêu ở hầu hết các ngành. Nhiều trường lên tiếng không hiểu TS đi đâu mà hồ sơ nộp vào lác đác, việc xét tuyển NVBS như cảnh chợ chiều. Tuy nhiên, đánh giá thấu đáo thì hơn 10 năm nay bình quân mỗi năm có trên 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia, con số này khá ổn định. Ngược lại, số trường ĐH phình ra nhiều, chỉ tiêu tuyển sinh trường nào cũng phình to hơn. Như vậy điều dễ thấy là các trường ĐH tốp trên, công lập và một số trường ĐH ngoài công lập đã hút hết TS, số còn sót lại vào các trường ĐH tốp dưới và CĐ không còn bao nhiêu. “Ngay từ bây giờ, các trường ĐH-CĐ nếu không tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng uy tín nhà trường thì những năm tới sẽ khó lấp kín chỉ tiêu tuyển sinh hơn. Bởi bây giờ TS có nhiều lựa chọn ngành, trường phù hợp với khả năng học tập, điều kiện tài chính và nhu cầu tuyển dụng xã hội” – vị này phân tích. Vị này cũng cho rằng nhiều trường trung cấp sống được là nhờ hai nhóm ngành sư phạm mầm non và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, nếu không có sự đánh giá đúng nhu cầu nhân lực xã hội hai nhóm ngành này thì vài năm tới tình trạng “bội thực” hai ngành này là hệ lụy không thể tránh khỏi. _________________________________ Thống kê của Bộ GD&ĐT, kết thúc đợt 2 xét tuyển NVBS, có 21 trường ĐH, 19 trường CĐ phía Bắc và 6 trường ĐH, 26 trường CĐ phía Nam còn dư thừa hàng chục ngàn chỉ tiêu. |