Ngành công nghệ hóa học

Trong xã hội hiện đại, không ở đâu trong khắp cuộc sống lại không có dấu ấn của Công nghệ hóa học (CNHH). Ngày nay, những sản phẩm của ngành này phổ biến đến mức chúng ta hầu như quên mất đó từng là những phát minh vĩ đại làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của con người như nhựa hay cao su nhân tạo v.v…

·        Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp

Theo điều tra của Đại học tổng hợp Minnesota (Hoa Kỳ), những người được đào tạo trong ngành CNHH có thể làm việc trong các lĩnh vực chính sau:

  • Làm việc trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp…
  • Làm việc ở các viện nghiên cứu

  • Làm việc trong các lĩnh vực:

  • Sản xuất các sản phẩm vô cơ (hoá chất vô cơ, phân bón, màu cho sơn, gốm sứ…)

  • Sản xuất các sản phẩm hữu cơ (pôlime, phim mỏng, vải sợi, thuốc nhuộm…).

  • Lĩnh vực vật liệu (ăn mòn và chống ăn mòn, pin khô, pin ướt).

  • Mạ điện, luyện kim và nguyên liệu cho các quá trình công nghiệp

  • Ngành công nghệ thực phẩm

  • Ngành công nghiệp lên men sản xuất các chất kháng sinh, thực phẩm bổ sung v.v…

  • Công nghệ sinh học ứng dụng

  • Xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường v.v…

  • Sản xuất sạch và công nghệ năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân v.v…

Cơ hội làm việc trong ngành CNHH rất phong phú bởi đây là ngành có tính ứng dụng rất cao và liên quan tới nhiều ngành khoa học, công nghệ, nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau. Hiện nay, nước ta vẫn phải nhập khẩu nhiều dây chuyền CNHH của nước ngoài. Bởi vậy, xây dựng đội ngũ nhân lực mạnh, sáng tạo, có khả năng thiết kế ra các dây chuyền công nghệ trong nước phù hợp với đặc điểm của Việt Nam là mục tiêu đang được hướng tới một cách mạnh mẽ.

·        Phẩm chất và kỹ năng cần thiết

  • Tình yêu với ngành CNHH
  • Có thiên hướng về khoa học tự nhiên, đặc biệt là hoá học

  • Ưa thích công việc tìm tòi, nghiên cứu, có tư duy phân tích, tiếp cận vấn đề một cách logic

  • Sự kiên trì và tính cẩn thận

·        Một số địa chỉ đào tạo

Bạn có thể học ngành CNHH tại:

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Kỹ thuật (Đại học Huế), Trường Cao đẳng Hoá chất Phú Thọ, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh), Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Quy Nhơn v.v…

MỘT SỐ NGHỀ NGHIỆP TRONG NGÀNH CÔNG NGHỆ HÓA HỌC

NHÀ NGHIÊN CỨU

Liên tục nghiên cứu, tìm tòi những sản phẩm hoá học mới với những tính năng mới, hợp chất hữu cơ hay vô cơ mới, các công nghệ sản xuất mới… Cuộc sống của người làm trong nghề gắn bó với các thư viện, phòng thí nghiệm, thiết bị mô phỏng, mô hình sản xuất thử nghiệm và những bộ máy tính có hiệu năng cao.

NHÀ KỸ THUẬT

Nhà kỹ thuật là cầu nối biến các nghiên cứu công nghệ trong phòng thí nghiệm thành những dây chuyền sản xuất trong các nhà máy, xí nghiệp để làm ra các sản phẩm mà chúng ta vẫn dùng hàng ngày hay nghe nói tới.

Anh ta làm việc với các bản vẽ, các phản ứng và tính toán, từ những khối thiết bị cồng kềnh đến những thiết bị nhỏ xíu. Tất cả phải sắp xếp chính xác, an toàn, để chỉ cần nhấn nút điều khiển, cả đây chuyền sản xuất sẽ hoạt động nhịp nhàng.

KỸ SƯ ĐIỀU HÀNH

Kỹ sư CNHH làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, điều khiển và giám sát hoạt động của một hay nhiều dây chuyền sao cho hiệu quả nhất. Kỹ sư điều hành giỏi giang là người có đầu óc tìm tòi và cải tiến. Anh ta luôn quan sát và suy nghĩ về việc cải tiến các phương pháp sản xuất cho hiệu quả hơn.

Cuộc sống của kỹ sư điều hành gắn chặt với những dây chuyền máy móc, những quy trình sản xuất đang hoạt động thực tế.

NHÀ TƯ VẤN, QUẢN LÝ HAY CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Hiện nay nước ta nhập khẩu rất nhiều dây chuyền công nghệ sản xuất. Với kiến thức và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, bạn là người tư vấn cho Nhà nước và các công ty lựa chọn nhập khẩu những dây chuyền phù hợp với nước ta và cách ứng dụng công nghệ đó.

NHÀ GIÁO

Nếu bạn say mê CNHH và có khả năng sư phạm, bạn sẽ trở thành chiếc cầu nối tri thức, trao chìa khóa kho tàng tri thức CNHH vào tay những người trẻ tuổi. Không chỉ vậy, một nhà giáo đa năng còn có thể kiêm luôn vị trí của nhà nghiên cứu, nhà kỹ thuật hay nhà tư vấn chuyển giao công nghệ.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *