Ngày 29.6, các thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Nguyễn Vinh Hiển, Nguyễn Thị Nghĩa đã làm việc với cụm thi Đà Nẵng, Nghệ An, Tuyên Quang. Những băn khoăn của lãnh đạo ở các cụm thi này liên quan đến việc bảo mật đề thi THPT quốc gia, đảm bảo công bằng giữa các địa phương.
Niêm yết danh sách thí sinh tại cụm thi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chiều 29.6
|
Hơn 20 cán bộ an ninh ở một điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, nhiều cụm thi địa phương do điều kiện đi lại khó khăn nên sẽ được bàn giao đề thi 8 môn một lần. Theo GS-TSKH Bùi Văn Ga, những địa phương sẽ thực hiện phương pháp bàn giao đề thi tất cả các môn cùng một lúc là Quảng Nam, Thanh Hóa và một số tỉnh miền núi phía bắc.
Không hạ thấp chất lượng thi
Về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đây là kỳ thi cách mạng mạnh mẽ, vừa tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ
xét tuyển ĐH, CĐ, không hạ thấp chất lượng nhưng tạo thuận lợi cho người dân, giảm khó khăn và chi phí cho xã hội.
Thủ tướng cũng khẳng định yên tâm với báo cáo của Bộ trưởng GĐ-ĐT Phạm Vũ Luận tại phiên họp giao ban trực tuyến Chính phủ tháng 6 diễn ra hôm qua 29.6. “Các địa phương cần vào cuộc thực hiện kỳ thi này cho tốt. Lần đầu làm tốt các năm sau sẽ có điều kiện làm tốt hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, mỗi năm cả nước ra trường khoảng nửa triệu sinh viên ĐH, CĐ, du học nước ngoài. “Giờ ta đang có dân số vàng, ta phải tìm cách đào tạo như thế nào”, Thủ tướng nêu vấn đề.
Trao đổi với PV Thanh Niên, Thứ trưởng Ga cho biết thực tế việc bàn giao đề thi cùng một lúc sẽ xảy ra
nhiều rủi ro, nhưng vẫn sẽ đảm bảo hơn việc giao đề hằng ngày theo quy định. “Phần lớn các địa phương được Bộ cho bàn giao đề cùng một lúc là những nơi điều kiện đi lại rất khó khăn. Như Quảng Nam, điểm thi xa nhất cách điểm bàn giao đề là Đà Nẵng đến hơn 300 km, đường đi lại rất hiểm trở, để đưa đề vào buổi sáng mỗi ngày thi là bất khả thi. Chúng tôi đã đi thực tế đến cụm thi xa nhất ở Quảng Nam và đã nhận thấy khó khăn đó”.
Chính vì vậy, công tác thắt chặt an ninh tại các cụm thi địa phương bàn giao toàn bộ đề thi cùng lúc được tăng cường ở mức cao nhất. Tại Quảng Nam, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, cho biết tại các điểm thi của tỉnh, lực lượng cán bộ đứng điểm thi cùng lực lượng an ninh được tăng cường trực 24/24 để bảo đảm an toàn cho đề thi trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi. “Bảo quản đề thi an toàn tối đa là việc chúng tôi đặt lên hàng đầu nên có những điểm thi chúng tôi phải tăng cường đến 20 cán bộ an ninh”, ông Quốc nói thêm.
Cùng việc bảo mật đề thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng yêu cầu các địa phương phải đặc biệt lưu ý khi mở đề thi, phải tránh hoàn toàn việc mở nhầm đề. “Bất cứ một sai sót nào dù rất nhỏ cũng ảnh hưởng đến kỳ thi toàn quốc với hàng triệu thí sinh (TS), nên nhất định không để xảy ra sự cố nào để ảnh hưởng đến tinh thần của TS”, ông Bùi Văn Ga nhắc nhở các địa phương.
Có nơi làm nghiêm, nơi không
Làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, ông Thái Huy Vinh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cho rằng khó khăn nhất là việc bảo đảm kỷ luật phòng thi do ở cụm thi này học sinh có học lực từ trung bình trở xuống. Ông Vinh cũng đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo các địa phương thực hiện kỳ thi nghiêm túc, khách quan, tránh tình trạng nơi làm chặt, nơi lại thả lỏng, gây mất công bằng. Bà Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, Bộ đã ban hành nhiều văn bản, phối hợp các ngành khác để thực hiện mục tiêu kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Chiều qua, dù tại Tuyên Quang, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định Bộ GD-ĐT không chỉ đạo các địa phương về “tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đẹp” nhưng bà Vũ Thị Bích Việt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, cho rằng cá nhân bà không lo lắng quá cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp mà chỉ lo cho kết quả để xét
tuyển sinh ĐH, CĐ của TS tỉnh nhà. “Tôi lo nhất các cụm thi khác của toàn quốc có nghiêm không. Đến lúc điểm của học sinh Tuyên Quang thấp quá rồi trượt ĐH cả loạt chúng tôi cũng chết, cả người dân, cả Bộ sẽ phê bình chúng tôi”, bà Việt nói. Bà Việt còn chia sẻ, việc để cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp lần 1 năm 2007 của Tuyên Quang chỉ chưa đến 15% là một “bài học đau đớn”, bởi thanh tra làm quá ghê khiến học sinh mất hết cả tinh thần – nhuệ khí để làm bài. “Tôi cũng đã quán triệt ngay từ đầu với hai cụm thi là phải làm nghiêm nhưng cũng phải tâm lý cho các em thấy thoải mái. Nhưng chúng tôi vẫn lo lắng nhất ở chỗ Tuyên Quang làm thật nghiêm, các nơi khác không nghiêm thì sao?”.
Huy động máy phá sóng, tăng cường an ninh để bảo mật đề thi tốt nghiệp TTHPT quốc gia
Không chỉ được trang bị máy phá sóng, lực lượng an ninh còn tăng cường và kiểm tra kỹ lưỡng tất cả đồ đạc của những người vào khu in sao đề thi THPT Quốc gia để đảm bảo tính tuyệt mật. Quá trình vận chuyển đề thi cũng phải phối hợp với công an A83, lực lượng CA quận, phường.
Đến thời điểm này, chỉ còn một ngày nữa là bắt đầu bước vào kỳ thi THPT Quốc gia 2015, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại nhiều trường hiện nay đã được hoàn tất.
Trao đổi với PV, PGS Đinh Văn Hải – Trưởng phòng Công tác chính trị, công tác sinh viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, tất cả các khâu trước khi đến tay thí sinh, từ đề thi, hướng dẫn chấm, đáp án, thanh điểm,… đều thuộc danh mục bí mật của Nhà nước, mức độ tối mật.
Đối với việc ra đề thi và khâu in sao được thực hiện tại địa điểm an toàn, biệt lập, có phương tiện phòng cháy chữa cháy, được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt quá trình kỳ thi diễn ra.
Riêng khu vực in sao được thiết lập 3 vòng bảo vệ, được trang bị máy phá sóng để đảm bảo tính tuyệt mật, đồ đạc của những ai ra vào đều được kiểm tra an ninh kỹ lưỡng.
Quá trình vận chuyển đề thi cũng phải tuân thủ đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Khi các trường đi lấy đề thi phải kết hợp chặt chẽ với công an A83, CA quận, phường trên địa bàn. Các phòng bì chứa đề thi được niêm phong và đưng an toàn trong thùng có khóa trong suốt quá trình vận chuyển, giao nhận.
PGS. TS Đinh Văn Hải cho biết thêm cụm thi ĐH Bách Khoa bao gồm 4 điểm thi: trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Xây dựng, ĐH Khoa học Tự nhiên và ĐH Kinh doanh và Công nghệ; trong đó, có tới 15.386 thí sinh, dự kiến khoảng hơn 4.000 thí sinh có hộ khẩu ở Hà Nội, số còn lại là từ 5 tỉnh đổ dồn về và các thí sinh tự do.