Dậy từ nửa đêm đi rút hồ sơ cho con, ấy thế nhưng, chỉ vì thiếu giấy ủy quyền nhiều bậc phụ huynh đành phải ứng cứu người nhà hoặc quay về để hoàn tất thủ tục.
Đi từ nửa đêm… không rút được hồ sơ
Gần 10 sáng ngày 13/8, anh Lê Văn Vương, Kiến Xương, Thái Bình mới đến lượt rút hồ sơ cho con và cháu tại trường ĐH Giao thông Vận Tải. Vừa ngồi chưa ấm chỗ, anh lại lao ra khỏi hội trường, điện thoại về quê “ứng cứu”. Dứt lời, anh thất vọng cho hay: Không rút được hồ sơ cô ạ. Lý do họ đưa ra là tôi phải có giấy ủy quyền mặc dù tôi mang đầy đủ hồ sơ xét tuyển, cả chứng minh thư của cháu và của tôi.
“Cháu nhà tôi thi được 21 điểm, cộng 1 điểm khu vực nông thôn là 22. Tôi nộp hồ sơ NV 1 vào trường cho cháu từ ngày 3/8. Từ hôm đó, ngày nào cũng thấp thỏm theo dõi qua trang website của trường. Đến ngày 11/8, cháu vẫn nằm trong top 70 thí sinh có điểm cao nhất. Cháu mới bị “đẩy” ra từ ngày hôm qua. Buổi sáng, thằng cháu học ở Hà Nội gọi điện báo về, tôi hơi thất vọng nhưng vẫn cố chờ đến cuối giờ chiều thì con chính xác đã nằm trong số bị loại” – anh Vương nói.
Mặc dù với số điểm đạt được, cháu có thể đăng ký ngành học khác của trường Giao thông Vận tải, tuy nhiên anh Vương cho hay con không thích nên anh phải dậy từ nửa đêm bắt xe khách lên Hà Nội để kịp rút hồ sơ, đăng ký cho con sang trường ĐH Thủy Lợi.
“Cứ ngỡ thủ tục đơn giản, ai dè lại nảy nòi thêm giấy ủy quyền. Kể ra cũng đúng thôi, nhưng nếu thông tin này được công bố rõ ràng trên website của trường thì chúng tôi đỡ mất thời gian. Giờ tôi đành vật vờ chờ ở đây, đợi người nhà đi xin giấy ủy quyền tại xã rồi gửi xe khách lên HN. Tôi sẽ chờ ở bến xe, để lấy, khi nào có được quay lại trường rút. Nếu nhanh thì cũng phải ngày mai, tôi mới nộp được hồ sơ cho con bên trường Thủy Lợi”- anh Vương than phiền.
Anh cũng cho biết thêm, cả tháng nay, con đi thi bố chả làm ăn gì được. Hết chạy ngược chạy xuôi đưa con đi thi tốt nghiệp, rồi lại sấp sấp ngửa ngửa đi lên Hà Nội đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1, ngày ngày đèo con đến trung tâm huyện tra cứu thông tin và giờ thì điệp khúc rút, nộp mà chưa biết con sẽ … đỗ vào đâu.
Mệt mỏi không kém anh Vương, chị Nguyễn Thị Hạnh (Kiến An, Hải Phòng) sau khi nộp được hồ sơ cho con vào trường Đại học GTVT, 2 mẹ con liền chui xuống hàng ghế cuối cùng của hội trường tranh thủ ngủ. Gần 10h sáng 13/8, chị choàng tỉnh, rồi bắt đầu câu chuyện tìm trường cho con.
Chị cho biết, con trai chị thi được 22,2 điểm, nguyện vọng của cháu là vào trường ĐH phòng cháy chữa cháy. Chị đã nộp hồ sơ cho con vào trường đó từ những ngày đầu tiên, tuy nhiên đến ngày 11/8 chị đành phải rút hồ sơ vì thấy tình hình có vẻ căng.
“Trường này không thông báo điểm đỗ tạm thời, mà ra quy định đến ngày 11/8 không rút hồ sơ sẽ không được rút nữa trong khi ngày 22/8 mới thông báo kết quả. Như vậy nếu không rút chẳng may con không đỗ thì coi như mất cơ hội học ở những trường top trên”- chị Hạnh than thở .
Nát nước tính toán, cuối cùng thì sáng nay hai mẹ con dậy từ 3h bắt xe lên Hà Nội để nộp hồ sơ vào Đại học Giao thông Vận tải. Theo chị Hạnh, đây là lần thứ 3 với 6 lượt đi về từ Kiến An -Hải Phòng – Hà Nội và ngược lại để nộp và rút hồ sơ cho con. Hy vọng, lần này cháu trúng tuyển.
Theo lời chị Hạnh, con trai chị cũng không thích học trường này nhưng chẳng còn cách nào khác, đành cho học tạm một năm. Bởi nếu học ở Hải Phòng thì ra trường khó xin việc, Bách Khoa cháu không đủ điểm… Giá như mà con đỗ được khối các trường An ninh, quốc phòng thì không phải lo đầu ra. Cháu bảo, sang năm vẫn tiếp tục thi vào Phòng cháy chữa cháy.
Có yếu tố may rủi
GS. TS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương Mại cho biết:Tính đến chiều 12/8, tổng số hồ sơ nhà trường nhận về là 6050, trong đó có 426 hồ sơ xin rút, hiện còn 5624 hồ sơ. Phổ điểm chủ yếu từ 19- 23 điểm. Trong đó, chỉ tiêu tổng số thí sinh được tuyển năm 2015 là 3.800 em.
GS Sơn thừa nhận với hình thức đổi mới trong xét tuyển năm nay có yếu tố may rủi đối với thí sinh. Nếu ví như chơi chứng khoán, đánh xổ số thì không đúng. Và nếu so sánh với năm 2014 trở về trước thì yếu tố rủi ro ít hơn rất nhiều.
Bởi lẽ, năm 2014 trở về trước thí sinh đăng ký nộp hồ sơ trước kỳ thi, khi đó chưa biết kết quả thi ra sao. Năm 2015 thì ngược lại, thí sinh nộp hồ sơ khi đã có kết quả thi. Hơn nữa các thông tin về tình hình nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển của các trường được cập nhật và công khai. GS Sơn cho rằng, điều đó giúp thí sinh có thể thay đổi quyết định của mình cho phù hợp hơn.
Không đồng tình với quan điểm này, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT trường Dân lập Lương Thế Vinh lại cho rằng, mặc dù theo Bộ GĐ & ĐT thì kỳ thi THPT Quốc gia xét tuyển đại học, cao đẳng được áp dụng hứa hẹn sẽ hạn chế bớt kinh phí cho gia đình thí sinh, nhưng thực chất là tốn kém và căng thẳng hơn rất nhiều.
Bởi theo quy định, trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng vào 4 ngành của một trường đại học theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Quy định này dẫn đến tình trạng nguyện vọng “ảo” ở các ngành, khoa của một trường, gây khó khăn cho việc theo dõi hồ sơ và dự báo cơ hội trúng tuyển. Theo đó, số lượng lớn thí sinh phải chạy đua trong vòng 20 ngày luôn trong tâm trạng thấp thỏm và lo sợ. Các em không có thời gian nghĩ đến những khoa ngành mà mình thích mà cố gắng làm sao để đỗ được đại học.
“Trong khi đó, phụ huynh học sinh cùng con em phải ra tận nơi để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, đó là điều dở nhất. Tại sao không đăng ký trực tuyến” – PGS Văn Như Cương đặt câu hỏi.