Có được dùng giấy chứng nhận bản sao để xét tuyển đại học?

Tư vấn tuyển sinh 2015: Có được dùng giấy chứng nhận bản sao để xét tuyển đại học? Em nghe nói mỗi thí sinh được phát 4 giấy chứng nhận kết quả thi, nếu em mang đi sao y bản chính thì có xét tuyển được hay không?…

Bỏ một môn thi, có được công nhận tốt nghiệp?

Có được dùng giấy chứng nhận bản sao để xét tuyển ĐH, CĐ, trường nào thí sinh phải sơ tuyển, môn năng khiếu thi vào thời điểm nào… là những băn khoăn của học sinh tỉnh Bình Thuận trong buổi Tư vấn mùa thi chiều 22.3. Chương trình do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức, được phát sóng trực tiếp bởi Đài phát thanh – truyền hình Bình Thuận, đã thu hút gần 1.000 học sinh (HS) tham dự trực tiếp.

Có được thay thế môn thi ?

Một phụ huynh ở TP.Phan Thiết có mặt tại hội trường đưa ra tình huống: “Con tôi dự định thi 6 môn, trong đó 4 môn để xét tốt nghiệp gồm toán, văn, tiếng Anh, lý, 2 môn còn lại là sinh và hóa. Nếu đến hôm thi môn lý con tôi không thể dự thi được, thì có được dùng môn sinh hoặc hóa để xét tốt nghiệp thay môn lý không?”.

Tư vấn tuyển sinh 2015: Có được dùng giấy chứng nhận bản sao để xét tuyển đại học? Ảnh: Báo Thanh Niên

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: Bộ GD-ĐT có đưa ra những trường hợp được đặc cách tốt nghiệp. Đó là thí sinh bị tai nạn, ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt sau khi đã thi ít nhất 1 môn mà không thể tiếp tục thi nốt các môn còn lại, nếu điểm môn đã thi đạt 5 trở lên, lớp 12 có học lực trung bình trở lên và hạnh kiểm khá trở lên sẽ được đặc cách tốt nghiệp. Tuy nhiên, quy chế cũng yêu cầu thí sinh phải có hồ sơ nhập viện, ra viện nếu bị bệnh hoặc giấy xác nhận của địa phương nếu có việc đột xuất đặc biệt. Trong trường hợp này, điểm các môn hóa, sinh không thể thay thế cho môn lý.

Có được dùng giấy chứng nhận bản sao để xét tuyển?

Năm 2014, một số trường ĐH, CĐ không bắt buộc phải dùng giấy chứng nhận bản chính có dấu đỏ để xét tuyển. Tuy nhiên, năm nay có quy định rõ ràng hơn về việc này nhưng nhiều HS vẫn chưa nắm rõ. Văn Thị Ngọc, HS Trường THPT Lê Lợi, thắc mắc: “Em nghe nói mỗi thí sinh được phát 4 giấy chứng nhận kết quả thi, nếu em mang đi sao y bản chính thì có xét tuyển được hay không?”. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ giải đáp: “Theo quy chế, năm nay sau khi có kết quả thi, các em sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận, trong đó 1 giấy tham gia xét tuyển nguyện vọng 1, 3 giấy còn lại dùng để xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Các em lưu ý khi đăng ký xét tuyển phải dùng bản chính có đóng dấu đỏ chứ không được dùng bản photo”.

Về việc xét tuyển học bạ, Nguyễn Thị Hương, HS Trường THPT Phan Chu Trinh lo lắng không biết các trường lấy chỉ tiêu và điểm trúng tuyển như thế nào, có công tâm hay không. PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, khẳng định: “Dùng kết quả học bạ là một trong 3 phương thức xét tuyển của nhiều trường ĐH, CĐ trong năm nay. Có trường chỉ xét 20% chỉ tiêu theo phương án này. Đương nhiên khi xét sẽ làm theo đúng quy chế và các trường lấy từ trên xuống dưới cho đến khi đủ chỉ tiêu dành cho phương thức này”.

Cũng liên quan đến việc xét tuyển bằng học bạ, Nguyễn Văn Minh, HS Trường THPT – THCS Lê Lợi, đặt câu hỏi: “Nếu em xét tuyển bằng học bạ thì khi tốt nghiệp bằng cấp có khác với thí sinh dùng điểm kỳ thi THPT quốc gia để xét hay không?”. PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho hay: “Dù vào trường bằng phương thức xét tuyển nào thì tốt nghiệp, các em sẽ được cấp văn bằng có giá trị như nhau. Trên văn bằng không ghi bất cứ thông tin nào về việc xét tuyển đầu vào. Quan trọng là quá trình học, các em phải nỗ lực để có được kết quả tốt”.

Tiêu chí phụ xét tuyển vào đại học?

HS Lê Được, Trường THPT Phan Chu Trinh, chưa nắm rõ về việc xét tuyển tiêu chí phụ của Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, đồng thời không biết học xong quản trị kinh doanh có phải học thêm luật kinh tế mới có thể làm việc?

Thạc sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, thông tin: “Điều kiện để xét tuyển vào trường là thí sinh phải có điểm trung bình của 5 học kỳ trên 6,5. Nếu trúng tuyển, sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ đủ kiến thức để làm việc đúng với chuyên môn mà các em đã học. Trong trường hợp em học quản trị kinh doanh nhưng về làm việc tại bộ phận pháp chế của một doanh nghiệp, thì em có thể học thêm một ngành liên quan đến luật để hỗ trợ công việc tốt hơn”.

HS Phan Thị Tuyết Trinh, Trường THPT – THCS Lê Lợi, mong muốn trở thành MC nhưng không rõ trường nào đào tạo. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho biết: “Đây là một công việc khá hấp dẫn với các bạn trẻ năng động và hướng ngoại. Các em có thể đăng ký học ở Học viện Báo chí tuyên truyền, ngành báo chí ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, ĐH Văn Hiến, CĐ Phát thanh truyền hình… Ngoài ra ngành quan hệ công chúng tại Trường ĐH Văn Lang, CĐ Bách Việt… cũng có những học phần về dẫn chương trình, tổ chức sự kiện, viết thông cáo báo chí…”.

Là con gái, có nên chọn khối ngành kỹ thuật?

Sáng ngày 21.3, 3.000 học sinh các trường THPT tại TP.Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã có mặt tại Trung tâm Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh để tham dự chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Bộ GD-ĐT thực hiện.

Tại buổi tư vấn tuyển sinh, có nhiều câu hỏi của thí sinh liên quan đến vấn đề cụm thi. Một học sinh hỏi: “Nếu thi ở cụm thi địa phương thì kết quả có được xét vào ĐH-CĐ hay không?

Ông Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Học sinh Ninh Thuận thi tại cụm liên tỉnh tại tỉnh Lâm Đồng. Các em cần chú ý trường nào xét tuyển theo điểm kỳ thi THPT quốc gia thì thí sinh phải thi tại cụm liên tỉnh này, trường nào có đề án tuyển sinh riêng xét kết quả học bạ thì thí sinh vẫn có thể xét tuyển khi thi cụm thi địa phương. Các em phải xem rõ thông tin trường mình muốn đăng ký để chọn cụm thi”.

Một học sinh của Trường THPT Nguyễn Trãi đặt câu hỏi: “Nghe nói tỉnh Ninh Thuận có một số suất học bổng dành cho học sinh tỉnh nhà học ở Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Vậy, để xin được học bổng này, học sinh phải làm hồ sơ thế nào và nộp ở đâu?”.

Ông Nguyễn Đức Hoài, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Ninh Thuận), cho biết: “Cách đây 2 năm, để đào tạo nhân lực cho ngành y tế địa phương, Sở xin phép Bộ cử học sinh Ninh Thuận đi học tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, hiện có 57 em đang học tại trường này. Hiện nay số lượng đã đáp ứng đủ cho nhu cầu nhận lực địa phương nên năm nay không có chỉ tiêu nữa”.

Học sinh Kiều Ngân (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) hỏi: “Các ngành kỹ thuật có phù hợp với nữ không, triển vọng công việc như thế nào?”.

Thạc sĩ Vũ Thu Hương, ĐH Lâm nghiệp cơ sở 2, tư vấn: Khối ngành kỹ thuật vẫn có nhiều nữ sinh thi và đang học. Nhu cầu nhân lực ngành kỹ thuật trong giai đoạn hiện tại rất cao, mỗi cơ quan cần rất nhiều đội ngũ kỹ thuật… Các em cố gắng nỗ lực trong quá trình học tập sẽ có nhiều cơ hội.

 

>>> Tuyển sinh 2015 – Điều chỉnh quy định đào tạo liên thông: mở đối tượng, siết chỉ tiêu

>>> Tuyển sinh 2015 – Phát triển mô hình khuyến học và hướng nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *