Nắm vững bài học trong sách giáo khoa, mở rộng vốn từ vựng, không tập trung vào duy nhất một phần kiến thức… là lời khuyên của cô Vũ Mai Phương dành cho học sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Ngày 26/3, Đại học Hà Nội tổ chức Ngày hội thông tin tuyển sinh năm 2017. Phần tư vấn phương pháp ôn tập và làm bài thi môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia được đặc biệt quan tâm.
Là khách mời, cô Vũ Mai Phương, người nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và luyện thi tiếng Anh trên truyền hình, chia sẻ những tháng cuối là thời gian vàng để học sinh ôn tập và xây dựng chiến thuật hợp lý ở môn tiếng Anh.
Cô Vũ Mai Phương nhận định đề thi tiếng Anh năm 2017 vẫn có độ phân hóa giống mọi năm. Ảnh: Thanh Tâm
“Nhìn vào hai đề thi minh họa Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, các em có thể thấy câu hỏi rơi vào phần kiến thức giống mọi năm nhưng số lượng giảm, đặc biệt ở dạng bài khó như điền từ vào đoạn văn hay đọc hiểu. Đề thi lại không có phần tự luận nên sẽ có nhiều điểm tuyệt đối hơn”, cô Phương phân tích.
Giáo viên này dự đoán độ khó của đề thi năm nay chỉ bằng 80% đề năm 2016. Riêng mức độ phân hóa sẽ vẫn giống mọi năm. Số câu hỏi khó chiếm khoảng 15% hoặc có thể nhiều hơn. Những câu này thường rơi vào trường hợp ngoại lệ, nằm ngoài quy tắc chung của một vùng kiến thức hay một dạng bài. Ví dụ, trọng âm của danh từ có hai âm tiết thường rơi vào âm tiết thứ nhất và câu hỏi sẽ chứa đáp án mà từ đó ngoại lệ, có trọng âm rơi vào âm tiết thứ hai.
Học sinh lớp 12 đến từ nhiều tỉnh thành tham dự Ngày hội thông tin tuyển sinh của Đại học Hà Nội. Ảnh: Thanh Tâm
Phần tư vấn, cô Mai Phương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học từ vựng, trong đó có việc học từ những bài đọc hiểu. “Học từ vựng là quá trình dài và không có điểm dừng”, cô Phương nói và khuyên học sinh nên học từ vựng 30 phút vào buổi sáng khi mới thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
Trong thời gian nước rút này, cô Phương lưu ý học sinh nên học và ôn luyện từ vựng theo hướng đa dạng hóa chứ không nên tập trung vào một dạng bài hay một phần kiến thức. “Còn gần 3 tháng, nếu các em chăm chăm học từ vựng về cụm động từ thì chắc chắn sẽ không giành được điểm cao. Thay vào đó, việc học từ mới theo chủ đề song song với những từ mới liên quan đến dạng câu hỏi trong đề thi như từ đồng nghĩa, trái nghĩa sẽ giúp ích hơn”, cô nói.
Giải đáp thắc mắc về kỹ năng làm bài đọc hiểu, cô Phương nhấn mạnh từ vựng vẫn là yếu tố quan trọng nhất thay vì các kỹ năng làm bài nhanh vì “không có từ vựng thì nhìn bài đọc hiểu như nhìn vào bức tường”. Học sinh nên làm 4 bài đọc hiểu mỗi ngày, học kỹ các bài trong sách giáo khoa và làm đề thi thử để mở rộng vốn từ, tập phân bố thời gian và tăng sự tự tin.
Cũng theo cô Phương, khi làm bài đọc hiểu ở nhà, trước hết phải coi đó như bài thi thực sự để rèn luyện tinh thần, khả năng phán đoán và chỉ được dùng từ điển để dịch bài khi đã kiểm tra kết quả. “Dịch lại tất cả bài đã làm sẽ giúp các em nắm được ý tưởng, nhớ từ vựng mà không cần ép mình phải thuộc lòng”, cô nói.
Để đảm bảo không mất điểm oan ở những câu hỏi dễ và đạt điểm cao nhất có thể, cô Phương khuyên học sinh cẩn thận khi làm bài, không nên mắc những lỗi “ngớ ngẩn” như điền nhầm phương án hay chưa tẩy sạch đáp án sai. Học sinh cũng không nên bỏ qua yếu tố may mắn. “Loại trừ đáp án và dùng trực giác để chọn một phương án có thể giúp các em có thêm điểm ngay cả ở phần kiến thức không nắm chắc”, cô Phương nói.
Thầy Phạm Ngọc Thạch cho biết điểm nổi bật trong tuyển sinh năm 2017 của Đại học Hà Nội là tăng chỉ tiêu theo khảo sát nhu cầu thị trường. Ảnh: Thanh Tâm
Thầy Phạm Ngọc Thạch, Phó hiệu trưởng Đại học Hà Nội cho biết năm 2017 nhà trường tuyển sinh ở 18 ngành đào tạo đại học chính quy, trong đó 17 ngành xuất hiện môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển (trừ ngành tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam) và 16 ngành tiếng Anh nhân hệ số 2. Từ thực tế đó, nhà trường xác định việc ôn luyện tiếng Anh trong gần 3 tháng cuối trước kỳ thi là rất quan trọng.
Đại học Hà Nội tăng 270 chỉ tiêu trong mùa tuyển sinh năm 2017, ngoài ngành Công nghệ thông tin, các ngành ngôn ngữ truyền thống của trường và chuyên ngành được dạy bằng ngoại ngữ đều giữ nguyên hoặc tăng từ 25 đến 50 chỉ tiêu.
Trong Ngày hội thông tin tuyển sinh năm 2017, Đại học Hà Nội cho học sinh THPT làm bài trắc nghiệm xác định thiên hướng nghề nghiệp dựa trên sở thích. Đây là một trong ba công cụ thuộc Bộ Công cụ Khám phá nghề nghiệp O*NET do Ủy ban Nghề nghiệp và Đào tạo thuộc Bộ Lao động Mỹ xây dựng nhằm đánh giá nhanh chóng, chính xác về công việc phù hợp với từng cá nhân.
Thanh Tâm