Ngôn ngữ tuổi teen vào đề kiểm tra văn, gây sốt mạng

Tuyển Sinh – Cư dân mạng đang truyền tay nhau đề kiểm tra giữa học kỳ 1 môn Ngữ văn lớp 12 của Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM.

Đề thi được nhiều bạn trẻ khen hay, tạo cảm hứng và khơi đúng nỗi lòng của học sinh.

Phần Làm văn có 2 câu, câu 1 dành cho học sinh ban cơ bản: “Ngôn ngữ tuổi mới lớn (ngôn ngữ “chat”) đang được giới trẻ tôn vinh vào hàng… sành điệu. Nhưng càng “sành điệu” bao nhiêu thì tiếng Việt lại càng bị “bám bụi” bấy nhiêu…

(Trích “Choáng” với ngôn ngữ tuổi mới lớn”, Nguyễn Toàn, Sài Gòn online)

Em hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Câu 2 dành cho những học sinh học ban nâng cao: “…Tình cảm gia đình bình dị thời nào cũng khiến người ta rơi lệ: Cảnh ba mẹ Thiều vét vá cháo cuối cùng nhường cho các con khi cả nhà ngồi tum hum trên bộ ván ngày bão ngập nhà chắc hẳn sẽ theo suốt cuộc đời những đứa trẻ này…Có lẽ vì thế, dù mới công chiếu ra rạp nhưng bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã thu hút một lượng lớn khán giả đến xem…”

(Theo “Giới trẻ Hà Thành xếp hàng xem phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Tài Linh, laodong.com.vn)

Từ bản tin trên, em hãy trình bày suy nghĩ của mình về vai trò của tình cảm gia đình đối với mỗi người, đặc biệt là giới trẻ trong xã hội hiện nay.

Tác giả đề Văn trên là cô giáo Nguyễn Ái Trà My – giáo viên môn Văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân.

Cô My nói với TT: “Tiêu chí ra đề kiểm tra của tôi là nội dung đề phải có tính thời sự, nhất là đề Văn nghị luận xã hội: nhất thiết phải là những vấn đề gần gũi với cuộc sống của học sinh. Đề Văn nghị luận xã hội không chỉ tạo cơ hội để học sinh thể hiện quan điểm, cách suy nghĩ, nhìn nhận của  mình về cuộc sống mà còn mang ý nghĩa tác động để các em sống tốt hơn”.

Cô My cho biết sở dĩ cô chọn nội dung về ngôn ngữ “chat” là vì nhiều em học sinh sử dụng quá nhiều loại ngôn ngữ này trong bài kiểm tra của mình: “Ngay cả khi các em nhắn tin cho tôi, có nhiều câu tôi cũng không hiểu. Cô – trò trao đổi với nhau bằng tiếng Việt mà phải dịch nghĩa một hồi mới hiểu được nội dung”.

Riêng câu hỏi về tình cảm gia đình, cô My giải thích rằng nó bắt nguồn từ thực tế đáng buồn hiện nay: “Giềng mối gia đình lỏng lẻo, giới trẻ thích được tự do như phương Tây, cộng với áp lực học hành đã cuốn các em đi. Một số em không thích dự bữa cơm gia đình, không thích nói chuyện với cha mẹ, coi thường giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình… Nhân thời điểm bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đang “hot”, tôi ra đề này để các em học sinh có dịp nhìn lại mình và cách cư xử của mình”.

Cũng theo cô My, đây là đề kiểm tra tập trung của trường (có rọc phách trước khi giáo viên chấm tập trung) nên mặc dù các giáo viên vừa chấm xong nhưng chưa lên điểm: “Tôi cũng tham gia chấm một số bài thì thấy học sinh viết khá cảm xúc, cũng có em đạt được 9 điểm.

Ở Trường THPT Bùi Thị Xuân, trước mỗi kỳ kiểm tra mỗi giáo viên trong tổ Văn sẽ ra một đề. Sau đó ban giám hiệu nhà trường và giáo viên tổ trưởng Tổ Văn sẽ chọn một trong các đề ấy làm đề chính thức.

HOÀNG HƯƠNG

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *