Góp ý thi 2016: Bộ Giáo dục cần thay đổi cách ra đề thi

Tuyển sinh – Nhiều ý kiến nhà giáo cho rằng, cấu trúc đề thi năm nay không hợp lý dẫn tới việc đánh giá chất lượng tốt nghiệp và chất lượng thi vào ĐH, CĐ không chính xác.

Nhận định về kỳ thi THPT quốc gia 2015, nhiều chuyên gia giáo dục cho biết, có thể nói kì thi đã thành công như mong đợi. Tuy nhiên, kết quả thi không đạt được yêu cầu làm cơ sở chính xác cho việc xét tuyển ĐH, CĐ và đề xuất Bộ GD-ĐT cần xem lại cách ra đề thi cho hợp lý.

Chiều lòng xã hội

Nhận định về đề thi THPT quốc gia 2015 với môn Toán, Thạc sĩ toán học Bùi Gia Hiếu (TP.HCM) cho rằng, cái hay của đề thi là đạt được mục tiêu đề ra xét tốt nghiệp và đại học. Với đề thi này, Bộ GD-ĐT đã rất chiều lòng toàn xã hội. Trong số 10 câu hỏi, 70% câu đầu là mức dành cho học sinh tốt nghiệp. Vì vậy, học sinh trung bình, các em có thể đạt được 5 điểm theo đúng tinh thần của Bộ, thậm chí nếu cẩn thận có thể đạt được 6 điểm hoặc cao hơn. So với đề mẫu, học sinh có thể thở phào nhẹ nhõm nhất là học sinh miền núi và vùng sâu. Điều đó cũng chứng tỏ Bộ đã tiếp thu dư luận rất nhiều. Với việc để xét tốt nghiệp và ĐH, đây là đề thi hợp lý và khoa học.

Tuy nhiên, thạc sĩ Bùi Gia Hiếu cho rằng, đề toán vẫn theo một motip cũ, tức là không có độ hay (như đề văn) để đánh giá. Vì môn toán yêu cầu năng lực riêng, nhưng so với năm trước, đề thi này có cái hay hơn đó là tính thời sự và ứng dụng, dù thông tin chỉ mang tính tượng trưng còn bản chất cũng là một bài toán.

Tiến sĩ TS. Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô nhận xét: Cấu trúc đề thi không hợp lý dẫn tới việc đánh giá chất lượng tốt nghiệp và chất lượng thi vào ĐH, CĐ không chính xác.

TS Quân phân tích, Bộ quy định: 60 % câu hỏi mức cơ bản phục vụ xét tốt nghiệp (6 điểm), 40% câu hỏi mức nâng cao phục vụ xét ĐH, CĐ (4 điểm). Với thang 10 điểm/ 1 đề thi.

Để xét tốt nghiệp, học sinh làm được 6 điểm là tương ứng với 10 điểm như kỳ thi những năm trước nhưng khi xét tốt nghiệp vẫn sử dụng công thức tính của thang 10 điểm nên kết quả thi không phản ánh chính xác kết quả tốt nghiệp của học sinh.

Để xét ĐH,CĐ: mức điểm sàn 5 điểm là ngang mức điểm xét tốt nghiệp. Như vậy điểm vào ĐH ngang với điểm xét tốt nghiệp.

Trong thang 10 điểm thì có tới 6 điểm là dành cho xét tốt nghiệp, 4 điểm là thi ĐH dẫn tới chất lượng đầu vào ĐH giảm đi 60%.

Ví dụ: 1 học sinh đạt 10 điểm thì điểm xét ĐH thực chất là: 6 điểm PT+ 4 điểm ĐH. Như vậy chỉ có 4 điểm làm cơ sở để xét ĐH. Do đó điểm xét vào ĐH thực chất chỉ có 4 điểm. Điều đó có nghĩa là chất lượng vào ĐH giảm đi 60%. (Đây là ví dụ mang tính tượng trưng)

“Tình hình này dẫn đến chất lượng đầu vào ĐH năm nay giảm sút” – TS Quân khẳng định.

Khó tuyển được học sinh có năng lực thực sự

Phân tích về phổ điểm 8 môn thi của kỳ thi THPT quốc gia, trong đó môn Toán có tới gần 40.000 bài thi bị điểm liệt mà Bộ GD-ĐT đã công bố, Thạc sĩ Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán, THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng: Theo như đề thi và phổ điểm thì sự phân hóa ở đây không hẳn là phân hóa về năng lực, trình độ của thí sinh mà chỉ đơn giản là phân loại các thí sinh đã được học, được ôn luyện “đúng tủ”. Điều này không giúp ích gì trong quá trình dạy và học. Ở khía cạnh tuyển sinh, dù điểm chuẩn có thể cao nhưng cũng khó tuyển được học sinh có năng lực thực sự. Nếu cứ ra đề như thế này, tôi đoán rằng số trường tổ chức thi riêng sẽ tăng lên.

Theo thầy Tùng, đề Toán như hiện nay chỉ biến học sinh thành cái máy làm toán, không hề có tính thực tiễn, không kích thích học sinh tìm tòi, sáng tạo, rất khó đánh giá năng lực, trình độ thí sinh. Trong khi chưa có sách giáo khoa mới, tôi nghĩ Bộ GD-ĐT vẫn nên cải tiến đề thi để khắc phục những điểm yếu đó. Đề thi nên có những câu (cả phần dễ và phần khó) gắn với các vấn đề của thực tiễn, đòi hỏi học sinh phải giải quyết (như các câu hỏi của PISA chẳng hạn), chứ không chỉ “hùng hục” giải toán.

“Phổ điểm thi có thể đã là đẹp với những người quản lí, là hình ảnh đẹp với xã hội. Tuy nhiên, ẩn chứa trong đó còn rất nhiều việc phải làm để chất lượng dạy và học được nâng lên” – giáo viên Tùng nhấn mạnh.

Còn Tiến sĩ Quân cho rằng, việc đưa môn thi tự chọn vào các môn thi tốt nghiệp đã dẫn tới tình trạng học lệch nghiêm trọng trong học sinh. Từ 2014 đã bắt đầu có môn tự chọn trong thi tốt nghiệp THPT, nên học sinh chỉ tập trung học các môn thi tốt nghiệp dẫn tới tình trạng học lệch trong học sinh.

“Trong các năm tới, Bộ tiếp tục ra đề thi chung cho cả nước nhưng từ năm 2021 (có thể sớm hơn) giao việc ra đề thi về cho các Sở GD-ĐT tỉnh thành phố, dựa trên bộ Ngân hàng đề thi quốc gia” – TS Quân đề xuất.

Trước đó, tại hội nghị tổng kết giáo dục đại học, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định: Đề thi tiếp tục được ra theo hướng đánh giá năng lực, có độ phân hóa tốt hơn để đánh giá khách quan năng lực thí sinh, đáp ứng mục tiêu của Kì thi.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *