Về quy định cộng điểm ưu tiên: Khi ưu tiên dành cho…số nhiều

Những quy định về cộng điểm ưu tiên đối với một số đối tượng trong tuyển sinh đã được Chính phủ ban hành từ nhiều năm nay, tuy nhiên trong mùa tuyển sinh năm 2015, đã dấy lên nhiều tranh luận về vấn đề này, kiến nghị cần có những điều chỉnh, thậm chí là bãi bỏ. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ nghiên cứu cụ thể và trình Chính phủ xem xét.

Những quy định về cộng điểm ưu tiên đối với một số đối tượng trong tuyển sinh đã được Chính phủ ban hành từ nhiều năm nay, tuy nhiên trong mùa tuyển sinh năm 2015, đã dấy lên nhiều tranh luận về vấn đề này, kiến nghị cần có những điều chỉnh, thậm chí là bãi bỏ. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ nghiên cứu cụ thể và trình Chính phủ xem xét.

Quy định về cộng điểm ưu tiên đang tạo ra những luồng dư luận trái chiều

Điểm cộng thành “đại trà”

Theo quy định về cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh, phần lớn thí sinh được cộng điểm là do ưu tiên khu vực vùng nông thôn, khó khăn, có thể được thêm từ 0,5 tới 1,5 điểm tùy địa bàn. Có nhóm thí sinh được cộng tối đa 3-4 điểm là con đối tượng chính sách như thương binh, liệt sĩ, người dân tộc thiểu số và đạt một số thành tích đặc biệt trong học tập. Sự chênh lệch có được từ điểm ưu tiên này có ý nghĩa quan trọng tới việc thí sinh đỗ hay trượt đại học (ĐH) bởi tính chất khắc nghiệt của kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Chính vì sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt nên việc so sánh “hơn – thiệt” hay tranh luận về “tính công bằng” của quy định càng thể hiện gay gắt. Ngay những người ủng hộ cũng ái ngại khi thấy rõ nhiều thí sinh đạt 27,5 điểm vẫn không đỗ vào Trường ĐH Y Hà Nội vì đứng sau những thí sinh có điểm thấp hơn nhưng thuộc diện được cộng điểm. Thậm chí, thủ khoa khối B của trường này – với 29,75 điểm, nếu xếp hạng sau khi cộng điểm ưu tiên thì tụt xuống vị trí thứ 30.

Như vậy, với thí sinh được cộng ít nhất 0,5 điểm bởi không sống tại các thành phố trực thuộc trung ương (khu vực 3), chính sách ưu tiên được áp dụng một cách “đại trà”. Còn những thí sinh không thuộc diện ưu tiên trở thành thiểu số và khó tránh khỏi có tâm lý bị thiệt thòi, cảm thấy thiếu công bằng. Bên cạnh đó, chính sách ưu tiên cũng khiến nhiều thí sinh bối rối với nhiều kiểu cộng điểm khác nhau của các trường. Mùa tuyển sinh năm 2014, với ngành có nhân hệ số, tức là theo thang điểm 40, Bộ GD-ĐT có hướng dẫn các trường quy đổi điểm ưu tiên theo công thức: Điểm ưu tiên thực tế = 4 x điểm ưu tiên theo quy chế/3. Sau khi có nhiều ý kiến phản hồi, Bộ đã quyết định sẽ quy đổi điểm môn thi từ thang 40 về thang 30 điểm: Điểm ưu tiên thực tế = 3 x tổng điểm môn thi sau khi nhân đôi/4, sau đó mới cộng thêm điểm ưu tiên không quy đổi. Năm nay, các trường có thể tự áp dụng cách nào cũng được trong 2 cách kể trên.

Thay điểm ưu tiên bằng ưu đãi học phí

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, vì đề thi dùng chung nên việc cộng điểm cho thí sinh vùng núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn là để bảo đảm sự công bằng. Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu cụ thể để điều chỉnh phù hợp qua từng mùa tuyển sinh. Tuy nhiên, việc thay đổi điểm ưu tiên không phải do Bộ GD-ĐT quyết định, mà liên quan hệ thống văn bản pháp luật được Chính phủ quy định. Bộ GD-ĐT sẽ phân tích cụ thể tình hình, sau đó trình Chính phủ xem xét.

Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa cho biết: Điểm ưu tiên, khuyến khích cũng được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Do đó, không nên bỏ qua những tác động tiềm năng của nhóm sinh viên thuộc diện ưu tiên bởi những nghiên cứu cho thấy, chính họ, sau khi tốt nghiệp ĐH thường có nhiều đóng góp cải thiện tình trạng kinh tế. Về phía các trường, hiệu trưởng một trường ĐH lớn cũng cho rằng, điểm đầu vào là yếu tố quan trọng liên quan chất lượng đầu ra, song chính những thí sinh đến từ những khu vực khó khăn lại có ý chí vươn lên rất mạnh mẽ và thường chỉ sau một năm học, các em đã có thể đuổi kịp và thậm chí vượt bạn bè cùng lớp.

Tuy nhiên, phần lớn lãnh đạo trường đều nhận xét, khoảng cách 1,5 điểm giữa khu vực 1 và khu vực 3 là lớn, trong khi sự chênh lệch về điều kiện kinh tế, xã hội vùng miền đang dần thu hẹp lại. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú đánh giá: Tỷ lệ thí sinh diện được cộng điểm trúng tuyển năm nay khá nhiều, làm thay đổi khả năng và cơ hội trúng tuyển của nhiều học sinh giỏi khác. Chênh lệch giữa nông thôn và thành thị ngày càng thu hẹp nên chính sách cộng điểm cũng cần linh động theo, có thể xem xét thay thế bằng ưu đãi học phí. Mùa tuyển sinh năm sau, trường có thể sẽ xem xét lại việc cộng ít điểm khuyến khích với các thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia hơn. Trên thực tế, theo quy định, những em được giải nhất, nhì, ba học sinh giỏi quốc gia sẽ được tuyển thẳng vào ĐH. Song do đặc thù đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhà trường đã xin phép Bộ và được đồng ý là chỉ tuyển thẳng thí sinh được giải nhất vào ngành Y đa khoa, còn những em được giải nhì, ba quốc gia vẫn phải thi và được điểm khuyến khích. Ông Nguyễn Hữu Tú đề xuất nên cho phép thí sinh cộng 1 điểm ưu tiên cao nhất vào điểm của mình thay vì tính gộp như hiện nay. Như vậy, vừa bảo đảm tính nhân văn của chính sách vừa công bằng hơn cho những thí sinh không được cộng điểm.

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *