Đại diện Cục khảo thí Bộ GD&ĐT cho biết TS có thể kiện trường nếu bị trượt oan. Tuy nhiên các trường lại cho rằng chính Cục khảo thí mới là người khơi nguồn mọi “ân oán” giữa thí sinh và trường.
Trường đối mặt với nhiều rủi ro bị kiện
Chia sẻ trên Vietnamnet, TS Trần Văn Nghĩa, phó Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết: “Năm nay Bộ có quy định thí sinh có thể đăng ký 4 ngành theo thứ tựu ưu tiên để xét tuyển và việc xét 4 nguyện vọng này là bình đẳng.
Quy định này rất thuận lợi cho thí sinh, cụ thể thí sinh chỉ cần có điểm lớn hơn hoặc bằng điểm trúng tuyển của ít nhất 1 trong 4 ngành đã đăng ký sẽ trúng tuyển. Tuy nhiên việc xác định danh sách trúng tuyển sẽ phức tạo hơn.
Vì vậy, Bộ đã cung cấp miễn phí cho các trường phần mềm để xét tuyển đồng thời cung cấp cả thuật toán để các trường tự xây dựng phần mềm tuyển sinh. Còn trường nào không sử dụng thuật toán này thì sẵn sàng đối mặt với khiếu kiện của thí sinh”.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, khi thí sinh đăng kí nhiều ngành (hoặc nhóm ngành) và xếp theo thứ tự ưu tiên, chẳng hạn lần lượt là: 1a, 1b, 1c, 1d. Trước hết các trường phải xét nguyện vọng 1a của tất cả các thí sinh và bắt đầu xét đối với ngành có điểm trúng tuyển cao nhất từ đó xác định được thí sinh trúng tuyển và không trúng tuyển vào ngành này.
Những thí sinh đã trúng tuyển sẽ không được xem xét các nguyện vọng tiếp theo (1b, 1c, 1d); còn thí sinh không trúng tuyển, nguyện vọng 1b của thí sinh sẽ được xem xét một cách bình đẳng cùng với các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào cùng ngành đó.
Quá trình trên sẽ được lặp lại để tìm ra ngành có điểm trúng tuyển cao thứ hai, sau đó là thứ ba và đến ngành cuối cùng. Khi đó, các thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1b sẽ được xem xét nguyện vọng 1c và cuối cùng là 1d.
Báo Vietnamnet cũng phân tích tình trạng nhiều trường hiện nay đang gặp rắc rối với việc xác định điểm chuẩn, do chưa hiểu hoặc chưa sử dụng phần mềm của Bộ GD-ĐT.
Như vậy, nếu thí sinh có điểm thi cao hơn điểm chuẩn của 1 trong 4 ngành mà các em đăng ký thì hoàn toàn có thể khiếu kiện các trường.
Tuy nhiên về phía các trường, các cán bộ tuyển sinh cũng tỏ ra bức xúc không kém thí sinh vì những vất vả mà trường phải chịu đựng.
“Chính Cục Khảo thí đã tạo ra mâu thuẫn”
Trao đổi trên báo chí, TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đánh giá hai nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng hỗn loạn, rối rắm trong tuyển sinh năm nay chính là chủ trương xét tuyển và các giải pháp kỹ thuật.
Về chủ trương, ông Nghĩa cho rằng như các năm trước, tất cả dữ liệu của thí sinh (điểm thi, hồ sơ giấy, các phiếu đăng ký nguyện vọng…) nhà trường đều nắm rõ.
Trong khi đó với cách xét tuyển như năm nay, các trường tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển sinh 2015 của thí sinh nhưng không nắm được các dữ liệu liên quan.
Khi thí sinh đến đăng ký tại trường, nhà trường nhận được giấy chứng nhận kết quả thi bằng giấy, các phiếu đăng ký xét tuyển bằng giấy và một số giấy tờ khác chứ hoàn toàn không có hồ sơ gốc của thí sinh. Nhà trường hoàn toàn trông cậy vào dữ liệu do Cục Khảo thí quản lý.
Bên cạnh đó, theo ông Nghĩa, chính Cục Khảo thí đã tạo ra các mâu thuẫn và từ đó làm nảy sinh những rối rắm cho thí sinh, đặc biệt là các thí sinh có điểm cao.
Mâu thuẫn đầu tiên là cho phép thí sinh có bốn nguyện vọng, nhưng về phía trường ĐH chỉ cho phép mỗi trường nhận một hồ sơ của thí sinh.
Thứ hai là nhà trường không được phép công bố điểm chuẩn trúng điểm tạm thời theo quy định của Bộ GD-ĐT, trong khi thí sinh lại có nhu cầu rất cao trong việc xác định các em có khả năng đậu hay không.
Các thí sinh có điểm thi rất cao sẽ tập trung xét tuyển tại các ngành hấp dẫn của các trường ĐH lớn ở những thành phố trung tâm và đẩy điểm tuyển sinh những ngành này lên rất cao.
“Phần mềm xét tuyển của Bộ GD-ĐT đưa ra chưa ổn định. Đến ngày 11-8, Bộ GD-ĐT mới công bố phần mềm xét tuyển đã hoàn chỉnh, trong khi quá trình xét tuyển bắt đầu từ trước đó 10 ngày, ngày 1/8.
Tuy nhiên, quá trình thực tế vận hành cho thấy phần mềm này vẫn chưa hoàn chỉnh. Tình thế chưa có một phần mềm hoàn chỉnh để xét tuyển, buộc các trường ĐH-CĐ phải dùng phần mềm xét tuyển riêng.
Trước đây khi còn kỳ thi ba chung, nhiều trường đã không tổ chức thi và nay họ phải bắt đầu tìm cho mình một phần mềm xét tuyển, dẫn đến hệ quả mỗi trường công bố thông tin trên mạng một kiểu”, ông Nghĩa nói.