Tuyển sinh 2015: “Con đường thứ 2” vào ĐH, CĐ

Tuyển sinh 2015: Thời điểm này, công tác thu nhận hồ sơ ở nhiều trường đã gần như hoàn tất. Thông tin về lựa chọn cụm thi, môn thi của thí sinh, do đó cũng đã khá rõ ràng.

Phân hóa rõ nét thí sinh tại 2 cụm thi

Khảo sát sơ bộ tại một số địa phương, năm nay, số thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp THPT chiếm tỷ lệ không hề nhỏ.

Ví dụ, ở Phú Thọ, dự kiến toàn tỉnh có 49,6% thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Con số này tại Nghệ An khoảng 35%; Sóc Trăng khoảng trên 45%… Địa bàn Hà Nội, thống kê sơ bộ cũng có khoảng 13.000 thí sinh không dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Tham khảo số liệu của các trường THPT, có thể thấy rõ, những trường chất lượng đầu vào không cao luôn có tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp lớn hơn.

Theo thầy Nguyễn Trọng Nghĩa – Hiệu trưởng Trường THPT Đỗ Huy Liêu (Nam Định) – năm nay toàn trường có 191 học sinh lớp 12, nhưng có đến gần 60% thí sinh đăng ký thi tại cụm địa phương. Nhiều trường chất lượng đầu vào tương tự trên địa bàn cũng có tỷ lệ gần như vậy.

Trong khi đó, tại Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp), toàn trường chỉ có 9 học sinh đăng ký thi tại cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì tổ chức để xét tốt nghiệp.

Lý giải, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Định cho biết: Bên cạnh nguyên nhân đề thi các cụm đều như nhau, đa số học sinh trong trường có nguyện vọng xét tuyển vào CĐ, ĐH.

Hơn nữa, học sinh của trường được thi tại tỉnh Đồng Tháp nên dù thi cụm do Sở GD&ĐT hay Trường ĐH Đồng Tháp chủ trì đều có điểm tương đồng về địa lý, khoảng đường di chuyển cũng như những điều kiện ăn nghỉ trong thời gian thi.

“Trước đó, nhà trường đã lưu ý học sinh, việc lựa chọn môn thi phải dựa trên cơ sở chính là năng lực của mình và định hướng các tổ hợp môn thi để xét tuyển vào CĐ, ĐH. Đối với học sinh có học lực trung bình, yếu cần ưu tiên mục tiêu tốt nghiệp. Những học sinh khá, giỏi phấn đấu vào CĐ, ĐH phù hợp năng lực bản thân và điều kiện kinh tế gia đình” – ông Nguyễn Văn Định cho hay.

Tại Trường THPT Gang Thép (Thái Nguyên), có 63 trên tổng số 428 học sinh dự kỳ thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp.

Theo thầy hiệu trưởng Cao Văn Tiến, năm nay, toàn tỉnh Thái Nguyên bố trí 9 điểm thi thuộc Hội đồng thi THPT quốc gia do Sở GD&ĐT chủ trì. Riêng điểm thi tại thành phố Thái Nguyên có khoảng 500 thí sinh dự thi. Chia đều con số này ra các trường trên địa bàn, mỗi trường sẽ có từ khoảng 15% trở xuống học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp.

Lý giải việc các thí sinh chọn dự thi tại cụm địa phương, thầy Cao Văn Tiến cho rằng: Năm nay Bộ GD&ĐT đổi mới cách thi, tuyển sinh. Bên cạnh các trường ĐH chỉ tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia do trường ĐH chủ trì, không ít trường xét tuyển theo kết quả học ở phổ thông và kết quả tốt nghiệp. Do đó, nhiều thí sinh tự lượng sức mình để chọn con đường phù hợp.

Bên cạnh đó, cũng phải nói đến hiệu quả từ công tác phân luồng, hướng nghiệp. Học sinh đã nhận thức ra rằng, ĐH không phải là con đường lập thân duy nhất.

Khối A vẫn chiếm ưu thế

Theo khảo sát của nhiều Sở GD&ĐT, trường THPT, năm nay, việc đăng ký môn thi của thí sinh, khối A vẫn chiếm ưu thế.

Thống kê của Trường THPT Gang Thép, môn nào cũng có thí sinh đăng ký, nhưng nhiều nhất là Vật lý và Hóa học.

Tương tự, Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp), trong số 486 học sinh lớp 12 có đến 273 học sinh chọn Hóa học, 132 em chọn môn Vật lý. Chỉ có 42 học sinh chọn Sinh học, 13 chọn Địa lý và Lịch sử có 4 học sinh đăng ký.

Ông Nguyễn Văn Định thông tin: Hóa học được học sinh của trường chọn nhiều nhất vì đây là môn nằm trong tổ hợp môn thi của cả 2 khối truyền thống A và B được nhiều trường ĐH dùng để xét tuyển. Bên cạnh đó, Hóa học cũng là một trong những môn thế mạnh của trường.

Không ít học sinh chọn môn Vật lý vì đây là môn trong tổ hợp khối thi A1 cũng được nhiều trường ĐH quan tâm. Hơn nữa, nếu chọn môn thứ 4 là Vật lý, học sinh chỉ cần thi 4 môn trong kỳ thi THPT quốc gia là có thể thực hiện đồng thời 2 mục tiêu là xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh vào nhiều trường ĐH dùng khối truyền thống A1 và D.

Tuy nhiên, sự lựa chọn môn thi của thí sinh diễn ra hơi khác tại Trường THPT Đỗ Huy Liêu (Nam Định). Sơ bộ, trong số 191 học sinh lớp 12 của trường, số đăng ký nhiều nhất là môn Địa lý với 131 em; sau đó là môn Hóa học với 96 học sinh; Vật lý 59 học sinh; Sinh học 64; cuối cùng là Lịch sử có 30 học sinh đăng ký.

“Chốt” hồ sơ đăng ký sớm

Một số trường THPT có kế hoạch đưa ra hạn nộp hồ sơ sớm hơn quy định chung. Ví dụ, tại Trường THPT Nguyễn Huy Liêu dự kiến sẽ lập danh sách, chốt hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi từ 25/4, sớm hơn quy định 5 ngày. Trường này bắt đầu phát hồ sơ từ ngày 10/4.

Trường THPT Gang Thép (Thái Nguyên) cũng dự định sẽ xong việc thu nhận hồ sơ trong ngày 25/4. Tuy nhiên, những trường nói trên vẫn giải quyết thu nhận hồ sơ, cho thí sinh đổi nguyện vọng môn thi đến ngày 30/4, theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

 

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *