Phụ phí “bủa vây” tân sinh viên

Thí sinh và phå huynh làm thç tåc nh­p hÍc vào Tr°Ýng H Công nghÇ TP.HCM. ¢nh - Nh° Hùng

Ngoài học phí, bảo hiểm y tế, khám sức khỏe, thí sinh trúng tuyển nhập học phải đóng rất nhiều khoản phụ phí khác do các trường đưa ra.

Một phụ huynh làm thủ tục nhập học cho con tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

Theo thông báo nhập học dành cho thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1, hầu hết các trường đều thu các khoản bắt buộc bao gồm: học phí (tạm tính), bảo hiểm y tế, khám sức khỏe.

Bên cạnh đó, không ít trường còn thu các khoản lệ phí khác như phí làm thẻ sinh viên, phí sinh hoạt đầu khóa, phí vệ sinh, nước uống, phí chuyển đổi điểm liên thông, phí sử dụng thư viện, lệ phí nhập học, phí trả chuyển phát nhanh hồ sơ trúng tuyển, sổ tay sinh viên…

Không chỉ trường ngoài công lập, các trường công lập cũng có rất nhiều khoản phí khác nhau

Đủ loại phụ phí

Một số trường gộp chung các khoản phí như thẻ sinh viên, sổ tay, khám sức khỏe… vào phí nhập học trong khi không ít trường, sinh viên ngoài đóng các khoản nói trên vẫn phải đóng phí nhập học.

Theo thông báo nhập học của Trường ĐH Y Hà Nội, sinh viên phải đóng trên 10 loại phí và lệ phí khác nhau. Ngoài học phí và bảo hiểm, sinh viên còn phải đóng 100.000 đồng tiền “đón tiếp và làm thủ tục nhập học”.

Bên cạnh đó còn có các khoản khác như phí phục vụ thư viện ngoài giờ 180.000 đồng đối với hệ bác sĩ và 120.000 đồng đối với hệ cử nhân (cả khóa học), phí thay đổi nhân khẩu 20.000 đồng (nếu sinh viên ở ký túc xá), phí làm hồ sơ và thẻ ký túc xá 40.000 đồng, phí trả chuyển phát nhanh hồ sơ trúng tuyển 20.000 đồng.

Tại Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM), ngoài học phí và bảo hiểm sinh viên phải đóng 351.000 đồng phí “hồ sơ nhập học và sinh hoạt đầu khóa”.

Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, sinh viên cũng phải đóng nhiều khoản phí và lệ phí khác nhau. Trong đó bao gồm các khoản phụ phí như thẻ sinh viên 50.000 đồng, phí xét bảo lưu và chuyển điểm liên thông (đối với sinh viên hệ liên thông) 2,7 triệu đồng, lệ phí nhập học 150.000 đồng, lệ phí kiểm tra tiếng Anh và tin học 300.000 đồng, phí sử dụng thư viện toàn khóa 400.000 đồng.

Điều đáng nói là học phí đối với sinh viên liên thông nhập học tạm đóng là 4,06 triệu đồng trong khi phí xét bảo lưu và chuyển điểm liên thông lên đến 2,7 triệu đồng. Với chỉ tiêu khoảng 2.500, chỉ riêng lệ phí nhập học Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã thu gần 400 triệu đồng. Phí nhập học là khoản thu được nhiều trường ĐH, CĐ tận thu triệt để. Tại Trường ĐH Kinh tế – kỹ thuật Bình Dương, sinh viên phải đóng phí nhập học, thẻ sinh viên lên đến 500.000 đồng.

Tương tự, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM thu lệ phí nhập học lên đến 1 triệu đồng mỗi sinh viên. Nhiều trường ĐH khác cũng thu phí nhập học như Trường ĐH Kinh tế quốc dân (50.000 đồng), Trường ĐH Sân khấu – điện ảnh Hà Nội (100.000 đồng), Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM (300.000 đồng), Trường ĐH Văn hóa TP.HCM (50.000 đồng), Trường ĐH Tài chính – kế toán 90.000 đồng…

Khoản phí làm thẻ sinh viên, sổ tay sinh viên cũng được hầu hết các trường thu dao động từ 20.000 – 50.000 đồng.

Trong khi đó, lệ phí khám sức khỏe đầu khóa cũng “nhảy múa” loạn xạ tùy theo trường. Mức phổ biến được các trường thu khoảng 50.000 đồng, trong khi nhiều trường khác thu từ 170.000 – 250.000 đồng/sinh viên. Bên cạnh đó cũng có những khoản phí rất lạ đời mà sinh viên phải gánh.

Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật trung ương thu lệ phí nhập học và khám sức khỏe mỗi sinh viên 300.000 đồng. Ngoài ra, trường này còn buộc sinh viên phải đóng phí vệ sinh, nước uống 15.000 đồng/tháng, tương đương 150.000 đồng/năm học.

Không chỉ vậy, học phí hệ liên thông bậc CĐ trong giờ hành chính là 146.000 đồng/tín chỉ, trong khi ngoài giờ hành chính lại tăng lên 176.000 đồng.

Tương tự, Trường ĐH Buôn Ma Thuột cũng thu khoản vệ sinh, nước uống với mức 100.000 đồng/năm. Không những vậy, trường này còn đẻ ra một khoản phí rất vô lý là “phí quản lý hồ sơ trong toàn khóa học và làm thẻ sinh viên”: 200.000 đồng/sinh viên. Chưa hết, Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) còn đẻ ra khoản phí “in niên giám 2015” và buộc mỗi sinh viên phải đóng 45.000 đồng

Mỗi trường một kiểu

Một trong những khoản thu cũng được nhiều trường áp dụng đó là phí sử dụng tài liệu, thư viện của trường. Tại Trường ĐH Cần Thơ, mức thu phí sử dụng trung tâm học liệu là 30.000 đồng/năm, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội thu phí sử dụng tài liệu, trang thiết bị học tập tại Trung tâm thông tin thư viện 450.000 đồng/sinh viên/khóa học…

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thu phí giáo trình, tài liệu học tập dùng chung: 50.000 đồng/sinh viên/học kỳ (thu một lần cho toàn khóa).

Cụ thể: 450.000 đồng/sinh viên với ngành sư phạm tiếng Anh; 400.000 đồng/sinh viên các ngành ĐH còn lại; 300.000 đồng/sinh viên hệ CĐ; 150.000 đồng/sinh viên hệ liên thông từ CĐ lên ĐH. Trong khi đó Trường ĐH Văn hóa TP.HCM thu phí sử dụng thư viện năm học 2015-2016 là 80.000 đồng/sinh viên.

Đối với các khoản phụ phí, ông Trần Văn Tuấn – phó hiệu trưởng Trường ĐH Buôn Ma Thuột – cho rằng tiền vệ sinh, nước uống được thu để trường thuê nhân viên vệ sinh quét dọn khu giảng đường, bình nước đóng chai được cung cấp ở mỗi tầng để sinh viên có thể uống bất kỳ lúc nào.

Quản lý hồ sơ sinh viên là trách nhiệm của trường, sao trường lại bắt sinh viên đóng phí để trường quản lý hồ sơ? – chúng tôi đặt vấn đề. Ông Tuấn cho biết đây là tham mưu của bộ phận tài chính và bản thân ông cũng không rõ. Quyết định đã ký rồi nhưng trường sẽ hủy bỏ ngay quy định thu phí quản lý hồ sơ sinh viên.

Còn ông Nguyễn Văn Thạch – trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM – lý giải việc trường thu phí vệ sinh, nước uống nhằm thuê người quét dọn khu giảng đường. Trường cũng đầu tư hệ thống nước siêu sạch nên thu phí sử dụng đối với sinh viên.

Ông Nguyễn Quốc Anh – trưởng phòng truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM – cho biết lệ phí nhập học 1 triệu đồng mà trường thu bao gồm các khoản như đồng phục, bảo hiểm y tế, thẻ sinh viên, sổ tay sinh viên, thẻ thư viện. Trường không tách các khoản thu đó ra mà gộp chung nên tổng số tiền sinh viên phải đóng là 1 triệu đồng.

Chánh văn phòng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM Trần Mai Ước cũng cho biết việc thu phí xét bảo lưu và chuyển điểm liên thông ĐH được tính theo tín chỉ, mỗi tín chỉ 30.000 đồng và đây mới là tạm thu. Trường phải lập hội đồng xét và có tổ thư ký làm việc. Tổ thư ký phải kiểm tra chương trình đào tạo bậc CĐ và ĐH để so sánh, đối chiếu về số tín chỉ, nội dung.

Việc này mất rất nhiều thời gian nên cần có kinh phí trả cho những người thực hiện. Đối với lệ phí nhập học, trường phải huy động cán bộ các phòng ban và sinh viên hỗ trợ việc tiếp nhận hồ sơ nhập học và hướng dẫn thí sinh làm thủ tục, thuê một số dịch vụ phục vụ buổi tiếp nhận nên cũng cần kinh phí.

* Cán bộ quản lý một trường ĐH tại TP.HCM:

Thu lệ phí vì ngân sách eo hẹp

Đối với các trường công lập tự chủ tài chính, học phí thu xong các trường được giữ lại. Trong khi đó, với các trường công lập trong thời hạn 30 ngày sau khi thu học phí phải chuyển vào Kho bạc Nhà nước.

Như vậy, với các trường công sẽ có hai loại biên lai là thu học phí và lệ phí. Đối với tiền các loại phí trường sẽ giữ lại để chi cho các hoạt động cần thiết của mình. Thực tế ngân sách của các trường công lập không nhiều nên không có kinh phí cho các hoạt động không nằm trong dự kiến chi thường xuyên.

Việc thu các khoản lệ phí không hẳn các trường tận thu mà để có kinh phí chi cho các hoạt động tiếp đón sinh viên, đầu tư cho các dịch vụ phục vụ sinh viên khi theo học tại trường. Vấn đề là có trường công khai các khoản thu ngay từ đầu, trước khi sinh viên nhập học, có trường lại thu khi sinh viên đến nhập học hoặc khi đã hoàn thành thủ tục nhập học.

* TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (phó giám đốc ĐHQG TP.HCM):

Không có quy định chi tiết về các khoản thu

Hiện nay không có quy định chi tiết nào về việc thu các khoản lệ phí, trường được thu lệ phí nào, bao nhiêu. Dĩ nhiên các trường đưa ra các khoản thu không được trái với các quy định của ngành tài chính. Không chỉ khi sinh viên nhập học mà ngay cả khi tốt nghiệp, mỗi trường cũng đưa ra các loại phí với mức thu rất khác nhau.

Tuy nhiên, khi đưa ra các quy định về lệ phí cũng cần cân nhắc sinh viên sử dụng dịch vụ nào thì mới thu phí dịch vụ đó, có những cái không phải sinh viên nào cũng dùng mà trường thu đánh đồng là chưa hợp lý. Hơn nữa, nếu đưa ra quá nhiều loại phí sẽ khiến người ta nghĩ đến tình trạng loạn thu, như vậy sẽ không hay.

Bảng phí sinh viên phải nộp nhập học

Trường ĐH

Quy Nhơn

Trường ĐH

Cần Thơ

Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM Trường ĐH Y Hà Nội
Học phí Học phí Học phí Học phí
Bảo hiểm y tế Bảo hiểm y tế Bảo hiểm y tế Bảo hiểm y tế
Bảo hiểm thân thể Bảo hiểm thân thể Bảo hiểm thân thể Bảo hiểm thân thể
Khám sức khỏe:

45.000đ

Khám sức khỏe: 187.000đ

Thẻ sinh viên: 50.000đ

Phí sử dụng trung tâm học liệu: 30.000đ/năm

Kiểm tra tiếng Anh:

50.000đ

Khám sức khỏe: 50.000đ

Thẻ sinh viên: 50.000đ

Phí thư viện toàn khóa: 400.000đ

Học phí giáo dục quốc phòng,

giáo dục thể chất: 2.310.000đ

Phí xét bảo lưu và chuyển điểm

(đối với SV liên thông): 2.700.000đ

Lệ phí nhập học: 150.000đ

Lệ phí kiểm tra tiếng Anh, tin học: 300.000đ

Đồng phục thể dục 2 bộ: 300.000đ

Đồng phục sinh viên 2 bộ:

nam 594.000đ, nữ 640.000đ.

Khám sức khỏe và sổ y bạ: 40.000đ

Đón tiếp và làm thủ tục nhập học:

100.000đ

Phục vụ thư viện ngoài giờ: 180.000đ

Lệ phí thay đổi nhân khẩu: 20.000đ

Tiền trả chuyển phát nhanh: 20.000đ

Sinh viên ở KTX phải đóng các loại phí làm hồ sơ và thẻ KTX 40.000đ, vệ sinh KTX 15.000đ (5 tháng).

 

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *