Kỳ thi THPT quốc gia: Thí sinh có 10 ngày nộp đơn phúc khảo

Theo Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia, các sở giáo dục và đào tạo sẽ nhận đơn xin phúc khảo của thí sinh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi và chuyển dữ liệu thí sinh xin phúc khảo bài thi đến Hội đồng thi. Mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi.

Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia.

 

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, Hội đồng thi phải công bố kết quả phúc khảo.
Việc chấm phúc khảo sẽ do hai cán bộ chấm thi THPT quốc gia thực hiện.

Nếu kết quả hai lần chấm phúc khảo giống nhau thì điểm phúc khảo là điểm chính thức của thí sinh.

Nếu kết quả hai lần chấm phúc khảo có sự chênh lệch bài thi sẽ được chấm thêm một lần nữa. Nếu kết quả của hai trong ba lần chấm phúc khảo giống nhau thì lấy điểm giống nhau làm điểm chính thức.

Nếu kết quả của cả ba lần chấm lệch nhau thì điểm chính thức của thí sinh sinh sẽ bằng điểm trung bình cộng của ba lần chấm.

Trong trường hợp điểm phúc khảo bài thi lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên đối với môn khoa học tự nhiên và từ một điểm trở lên đối với môn khoa học xã hội thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (có ghi biên bản) đối với các bài thi của thí sinh có sự điều chỉnh điểm.

Dự kiến, chậm nhất là ngày 20/7, các hội đồng thi sẽ phải hoàn tất công tác chấm thi. Trước ngày 25/7, các sở giáo dục và đào tạo sẽ công bố kết quả xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh. Giấy báo điểm sẽ được gửi cho thí sinh trước 30/7

Kỳ thi THPT quốc gia: Quy trình chấm phúc khảo như thế nào?

Việc phúc khảo tiến hành theo từng môn thi dưới sự điều hành trực tiếp của trưởng ban phúc khảo. Trưởng ban phúc khảo không đồng thời làm trưởng ban chấm thi.

Từ ngày công bố điểm thi và chuyển dữ liệu, thí sinh xin phúc khảo đến hội đồng thi, Sở GD&ĐT nhận đơn xin phúc khảo trong thời hạn 10 ngày.  Mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi và phải nộp lệ phí theo quy định. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, hội đồng thi phải công bố kết quả phúc khảo.

Quy trình tiến hành các công việc liên quan phúc khảo phải có ít nhất hai người trở lên, tuyệt đối giữ bí mật về số báo danh, số phách và không được ghép đầu phách.

Chấm phúc khảo tự luận: Khi chấm phúc khảo các môn thi tự luận, mỗi bài thi sẽ do hai cán bộ chấm thực hiện, chấm bằng mực có màu khác với màu mực được dùng chấm trước đó trên bài làm của thí sinh.

Nếu kết quả hai lần chấm phúc khảo giống nhau thì giao bài cho trưởng ban ký xác nhận điểm chính thức. Nếu quết quả có sự chênh lệch thì tổ chức lần chấm thứ ba trực tiếp trên bài làm của thí sinh bằng mực màu khác. Nếu kết quả ba lần chấm vẫn lệch nhau thì trưởng ban phúc khảo lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm điểm chính thức rồi ký tên xác nhận.

Trong trường hợp điểm phúc khảo bài thi lệch nhau từ 0,5 điểm trở lên đối với môn khoa học tự nhiên và từ 1 điểm trở lên đối với môn khoa học xã hội, phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi đợt đầu và cán bộ chấm phúc khảo (có ghi biên bản). Có biểu hiện tiêu cực, sẽ xử lý theo quy định.

Chấm phúc khảo trắc nghiệm: Đối với phúc khảo bài thi trắc nghiệm, tổ phúc khảo có thành phần tương tự như tổ xử lý bài trắc nghiệm của ban chấm thi. Điểm chấm lại của tổ phúc khảo bài thi trắc nghiệm là điểm thi chính thức của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia.

Trước ngày 20/7, các cụm thi hoàn thành công tác chấm thi và báo cáo kết quả sơ bộ về Bộ GD&ĐT.

 

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *