Ngày 7/9 là ngày cuối cùng kết thúc xét tuyển nguyện vọng bổ sung ĐH, CĐ năm 2015. Tuy nhiên, nhiều trường đại học vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu và phải xét tuyển tiếp đợt 3.
Tuyển sinh 2015: Không tuyển đủ hồ sơ
Trong xét tuyển nguyện vọng bổ sung, không khí xét tuyển ở nhiều trường đại học, cao đẳng diễn ra khá tĩnh lặng, thưa thớt thí sinh đến nộp so với không khí dồn dập, ồn ào của đợt xét tuyển nguyện vọng 1.
Tính đến ngày 7/9, trường ĐH Mỏ Địa chất mới nhận được hơn 1.900 bộ hồ sơ, trong khi đó chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng bổ sung là 2.100.
Trao đổi với PV, cán bộ tuyển sinh của trường cho biết , nhà trường đang thống kê hồ sơ thí sinh gửi về qua đường bưu điện và ngày cuối nhận hồ sơ, hy vọng kết thúc đợt này trường sẽ tuyển đủ.
ĐH Thái Nguyên, theo thông tin từ trường, đến ngày cuối nhận hồ sơ xét tuyển mới có khoảng hơn 1.000 bộ so với hơn 2.000 chỉ tiêu. Được biết, một số trường của ĐH Thái Nguyên xét cả học bạ của thí sinh.
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, tính đến chiều ngày 7/9, trường nhận được khoảng 700 hồ sơ trên 1.000 chỉ tiêu đợt 2 – ít hơn so với mọi năm. Có lẽ trường tuyển tiếp đợt 3 thì may ra mới đủ – một cán bộ tuyển sinh của trường cho biết.
Trường ĐH Tây Bắc, rất ít thí sinh đến trường nộp hồ sơ nhiều như đợt 1 mà chủ yếu qua đường bưu điện, qua tuyến Sở GD&ĐT. Đến thời điểm này, trường ĐH Tây Bắc mới có khoảng 300 hồ sơ đợt 2, trong khi đó chỉ tiêu là 700.
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Bao lo lắng cho hay, trường không chỉ lo không tuyển đủ chỉ tiêu mà còn lo về tình trạng thí sinh ảo. Đợt 1, nhà trường gọi 1.600 thí sinh trúng tuyển đến nhập học nhưng chỉ khoảng 1.200 em đến.
Ngày cuối đợt 2 xét tuyển, Trường ĐH Nông lâm Bắc Giang nhận được rất ít hồ sơ xét tuyển. Ông Trần Văn Châu, trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: Gần cuối giờ chiều ngày 7/9, tổng số hồ sơ đại học đợt 2 trường nhận được là 74 bộ trên 700 chỉ tiêu; cao đẳng là 12 bộ trên 150 chỉ tiêu. Ở đợt 1, toàn trường có 312 thí sinh trúng tuyển, nhưng chỉ 60% số này đến nhập học. Như vậy, nhà trường sẽ còn tiếp tục xét tuyển các đợt tiếp theo theo quy định của Bộ GD&ĐT, cho đến khi đạt chỉ tiêu.
Không chỉ đối với trường đại học công lập, nhiều trường đại học ngoài công lập rơi vào tình trạng ảm đạm hơn. Hầu hết các trường đều thông báo xét tuyển đợt 3 như trường ĐH Hòa Bình, trường ĐH Đại Nam, trường ĐH Lương Thế Vinh, trường ĐH Nguyễn Trãi, trường ĐH Nguyễn Tất Thành…
Ngược lại với các trường đại học trên, trường ĐH Điện lực năm nay xét tuyển nguyện vọng bổ sung với 250 chỉ tiêu nhưng đến chiều ngày 7/9, trường nhận được hơn 2.000 hồ sơ với mức điểm khá cao.
Ông Bùi Đức Hiền, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, với mức điểm cao như vậy, để thí sinh đỡ vất vả, nhà trường đã bố trí nhiều cán bộ tuyển sinh trực tiếp tư vấn, khuyến cáo cho các thí sinh có mức 20 điểm không nên nộp hồ sơ vào trường sẽ không đỗ, bởi nhà trường lấy điểm từ cao xuống thấp nhưng các em vẫn cố tình nộp.
Sẽ trượt nếu đứng núi này, trông núi nọ
Chia sẻ với các thí sinh, ông Nguyễn Văn Bao – Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Bắc khuyên thí sinh nên xác định thật kỹ trước khi nộp hồ sơ xét tuyển. Hãy chọn đúng điểm đến, tránh tình trạng đứng núi này, trông núi nọ, sẽ rất mệt mỏi mà cuối cùng, hiệu quả không cao; đồng thời cũng sẽ làm khó cho các trường.
Các thí sinh vẫn còn nhiều cơ hội vào đại học nên cân nhắc thật kỹ trong xét tuyển các đợt tiếp theo. Cụ thể, xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 3, theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường nhận ĐKXT từ ngày 11/9 đến ngày 21/9, công bố kết quả trúng tuyển trước 24/9.
Đợt 4: Các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu chủ động công bố thời gian nhận ĐKXT từ ngày 25/9 đến ngày 15/10 và công bố kết quả trúng tuyển trước 19/10. Tuyển sinh ĐH kết thúc ngày 20/10.
Từ ngày 20/10, các trường CĐ chưa tuyển đủ chỉ tiêu, chủ động công bố thời gian nhận ĐKXT và công bố kết quả trúng tuyển trước 20/11. Tuyển sinh CĐ 2015 kết thúc ngày 21/11.
Theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành, trong các đợt xét tuyển bổ sung, sau khi đã ĐKXT vào trường, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng và không được rút hồ sơ để chuyển sang trường khác.
Thí sinh sử dụng số mã vạch của mỗi Giấy chứng nhận kết quả thi để ĐKXT vào một trường duy nhất; gửi Phiếu ĐKXT theo một trong các phương thức: Nộp tại sở GD-ĐT hoặc trường THPT do sở GD-ĐT quy định; qua đường bưu điện bằng hình thức chuyển phát nhanh; nộp trực tiếp tại trường. (ĐKXT qua đường bưu điện và nộp trực tiếp tại trường cần kèm theo bản photo Giấy chứng nhận kết quả thi)
Thí sinh có thể sử dụng tối đa 3 phiếu để đăng ký vào 3 trường khác nhau trong mỗi đợt xét tuyển, theo phương thức trên.
Khi trúng tuyển, thí sinh mang theo Giấy chứng nhận kết quả thi để làm thủ tục nhập học tại trường.
Bộ lưu ý các trường ĐH, CĐ nhanh chóng công bố trước ngày 25/8: danh sách thí sinh trúng tuyển đợt 1, số chỉ tiêu còn lại để xét tuyển các đợt bổ sung và điểm xét tuyển của từng ngành (nhóm ngành), các quy định đối với xét tuyển bổ sung.