Càng gần kết thúc việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2015 càng nhận thấy cách xét tuyển như Bộ GD-ĐT đang thực hiện chỉ nhắm đến việc chọn người có điểm cao mà bỏ qua những yếu tố khác, chẳng hạn như định hướng, đam mê nghề nghiệp. Như thế vô tình đã gây ra sự không công bằng.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà kết thúc xét tuyển đợt 1, nhiều thí sinh (TS) đã xin hủy kết quả trúng tuyển để xét tuyển bổ sung vì ngành trúng tuyển nguyện vọng 1 không phải là ngành phù hợp với bản thân. Có trường hợp một TS thi được 20 điểm, đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành có điểm chuẩn năm trước thấp nhất trường để có khả năng trúng tuyển cao nhất nhưng cuối cùng bị loại vì những TS điểm cao nhưng chọn ngành đó là nguyện vọng 4. Chính TS điểm cao không cân nhắc kỹ ngay từ đầu, đăng ký vào những ngành điểm rất cao, bị loại ở các nguyện vọng 1, 2, 3 và cuối cùng đậu vớt nguyện vọng 4 đã đẩy những TS có nguyện vọng 1 vào ngành này ra ngoài.
Có người cho rằng điều này là công bằng khi người điểm cao thì đậu, người điểm thấp hơn phải chia tay cuộc đua.
Tất cả TS phải như nhau và tự chịu trách nhiệm nếu lựa chọn của mình sai lầm. Kiểu xét tuyển “lọt sàng xuống nia” như năm nay chỉ có lợi cho TS điểm cao mà không biết lượng sức mình trong khi lại bất công với TS điểm thấp hơn nhưng biết “liệu cơm gắp mắm” ngay từ đầu để chọn ngành phù hợp.