Cần có xác nhận của địa phương trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh

Sáng 23.4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã chủ trì hội nghị trực tuyến 3 đầu cầu về sơ kết thực hiện Nghị quyết 115/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.

Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, phát biểu tại hội nghị – Ảnh: Hà Ánh

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã có ý kiến về việc quản lý hệ thống các trường trung cấp và cao đẳng. Theo đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng, nếu khối trung cấp và cao đẳng giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý thì có thể sẽ gặp khó khăn.

Cụ thể, các trường cao đẳng sư phạm là đơn vị đào tạo nhân lực trực tiếp cho ngành giáo dục, nếu để bộ khác quản lý sẽ chồng chéo. Với trường cao đẳng chuyên một ngành nhất định (như y tế) nếu chuyển qua Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì yêu cầu về chương trình, phương pháp và chất lượng ra sao?
Cũng theo phân tích của đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng, tỉnh đang tìm cách phân luồng học sinh sau THCS trong đó xây dựng trường vừa dạy nghề, vừa dạy văn hóa theo hệ thống giáo dục thường xuyên để học sinh có thể dự thi tốt nghiệp THPT và có tay nghề. Vì vậy, các đơn vị này sẽ phải chịu sự quản lý của ngành giáo dục về mặt văn hóa, vừa chịu sự quản lý của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội trong dạy nghề. Trên cơ sở này, đại diện Sở này đề nghị vẫn giao Bộ GD-ĐT quản lý lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để thống nhất.
Trong khi đó, ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, ý kiến: “Hằng năm, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh các trường TCCN được Bộ GD-ĐT giao trực tiếp cho các trường mà không có ý kiến của Sở GD-ĐT xác nhận năng lực thực tế các trường tại thời điểm giao chỉ tiêu. Điều này dẫn đến việc xác định chỉ tiêu chưa đúng thực tế về điều kiện dạy học ở một số đơn vị”.
Ngoài ra, hội nghị còn nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề định biên trong ngành giáo dục, quản lý các trường THCS dân tộc nội trú…

 

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *