Bỏ công việc, phụ huynh nhiều ngày nay cùng con lên Hà Nội ở trọ để theo dõi điểm chuẩn tạm thời, lượng hồ sơ rút ra nộp vào rồi tính toán tìm cơ hội.
Ngày cuối cùng của đợt xét tuyển vào đại học, cao đẳng đầu tiên, tình hình nộp – rút hồ sơ diễn ra căng thẳng ở nhiều trường đại học, đặc biệt là trường tốp giữa. Ở Đại học Công nghiệp Hà Nội, từ sáng sớm đã có hàng trăm thí sinh ngồi chật kín hội trường, nhiều em tìm đến bàn tư vấn hỏi, với điểm này em có nên rút hồ sơ? Nếu không rút thì có khả năng đỗ những ngành nào.
10h30, hai bố con em Nguyễn Đình Dũng (Yên Dũng, Bắc Giang) vẫn bần thần ngồi ở bàn tư vấn tuyển sinh. Được 19,75 điểm, Dũng đăng ký vào hai ngành Điện – Điện tử và Nhiệt. Đến trưa 20/8, điểm chuẩn tạm thời của ngành Điện đã lên tới 21,5, còn Nhiệt là 18,5.
“Em được 19,5 điểm, không còn hy vọng gì ở ngành Điện – Điện tử. Ở ngành Nhiệt thì em đang ở vị trí thứ 66, trong khi trường lấy 140 chỉ tiêu. Em chỉ sợ trong chiều nay các bạn điểm cao nhưng trượt Bách khoa sẽ ồ ạt chuyển sang khiến em bị bật ra”, mồ hôi rịn trên trán, Dũng cho biết dự định rút hồ sơ để nộp sang Đại học Điện lực vì có nhiều cơ hội hơn.
Mẹ con em Nguyễn Công Thành (Thuận Thành, Bắc Ninh) túc trực ở Đại học Công nghiệp để theo dõi tình hình nộp hồ sơ từ bốn hôm nay. Mỗi ngày, cùng với biến động về điểm chuẩn tạm thời, Thành đều thay đổi nguyện vọng, chuyển sang ngành lấy điểm thấp hơn nếu thấy mình ở trong vòng nguy hiểm.
Qua ba lần thay đổi nguyện vọng, đến nay em đã bị bật ra khỏi hầu hết ngành đăng ký, chỉ còn Điện tử truyền thông là đang ở ngưỡng an toàn. “Được 20 điểm, trường lấy 490 chỉ tiêu, đến trưa nay em ở vị trí 381. Vị trí này không an toàn bởi nhiều bạn từ các trường tốp trên đang ào ào đến nộp hồ sơ”, Thành lo âu nói.
Trong bốn ngày ở Hà Nội, mỗi ngày bị bật ra khỏi một ngành, Thành và mẹ lại chạy sang các trường Thủy lợi, Điện lực, Kỹ thuật Công nghiệp để theo dõi tình hình. Không biết đường, mệt mỏi vì nắng nóng, nhưng hai mẹ con luôn động viên nhau cùng cố gắng. “Các trường khác có khả năng đỗ cao hơn, nhưng em không thích bằng Đại học Công nghiệp, vì vậy vẫn hy vọng”, nam sinh chia sẻ.
Bà Hồng bật khóc khi nói đến những ngày ăn chực nằm chờ ở Hà Nội theo dõi tình hình xét tuyển cùng con gái |
Ở Đại học Kinh tế Quốc dân, bà Nguyễn Thị Hồng (60 tuổi, quê Hải Phòng) nước mắt ngắn dài cho biết, suốt một tuần qua, mẹ con bà thuê trọ ở Hà Nội theo dõi tình hình xét tuyển. Con gái bà là Vũ Thị Phương Hạnh thi khối D được 24,25 điểm. Ban đầu em tự tin nộp vào khoa Quản trị kinh doanh của Đại học Ngoại thương, nhưng đến 17/8 thì rút vì không còn cơ hội.
Không chỉ hai mẹ con trọ ở Hà Nội theo dõi hàng ngày, 3 chị gái của Hạnh ở quê nhà cũng túc trực cả ngày bên máy tính để theo dõi tình hình các trường, tính toán cơ hội để quyết định rút – nộp hồ sơ.
“Từ ngày 17/8 đến nay, 2 mẹ con em thuê phòng trọ ở gần Đại học Kinh tế quốc dân để hàng ngày đến trường theo dõi tình hình. Đến sáng 20/8, biết là khó vào Kinh tế, em quyết định rút hồ sơ để nộp vào Học viện Tài chính vì dự kiến điểm chuẩn đến ngày 19/8 là 21,75”, Hạnh nói và than “mệt mỏi lắm rồi, không muốn tính toán nữa, chấp nhận nộp khoa Tài chính ngân hàng – khoa thấp nhất của Học viện Tài chính”.
Bà Hồng lau nước mắt bảo việc tuyển sinh năm nay khiến gia đình quá khổ vì phải ăn chực nằm chờ để tìm cơ hội. Theo bà, để chọn được người giỏi vào đại học, cần thi đại học thật khó, thật nghiêm, em nào đủ năng lực thì vào, nếu trượt cũng chỉ đau một lần rồi thôi. Còn thi như thi THPT quốc gia năm nay, đề thi khiến thí sinh điểm đều cao, trừ những em rất cao thì xét tuyển thuận lợi, còn lại toàn từ 21 đến 24 điểm không biết tính toán thế nào cho phù hợp.
“Nhà tôi, cả họ phải lao vào tính toán. Vợ chồng tôi cả mấy tuần nay không làm ăn gì, chỉ biết nấu ăn phục vụ cho các con ngồi tính toán điểm chác. Tôi xem tivi thấy lãnh đạo nói thí sinh biết lo lắng sẽ trưởng thành lên. Nhưng tuổi các cháu chưa đến lúc phải chịu đựng cảnh tính toán như chơi chứng khoán thế này”, bà Hồng nói và ví von cảnh thí sinh chen chúc nộp hồ sơ chẳng khác gì chợ hoa ngày 30 Tết.
“Nhưng chợ hoa 30 Tết người ta hồ hởi đi mua hoa, còn ở đây chỉ có những gương mặt âu lo và cả nước mắt. Tôi và nhiều phụ huynh khác khi nói đến chuyện thi cử của con là chỉ chực khóc, đêm không ngủ, ngày không muốn ăn”, vị phụ huynh nói.
30 phút nữa là đến hết giờ nộp hồ sơ (17h), Cao Thu Trang (Hà Nội) lại mang nhầm giấy báo điểm. Lo lắng, bối rối, em đã òa khóc |
Đến trưa 20/8, thống kê của Đại học Bách khoa Hà Nội cho thấy gần 200 thí sinh đến rút hồ sơ, số nộp vào cũng khoảng 100. 11h trưa, thí sinh Lê Tiến Trung (Hà Nội) vẫn ngồi bần thần trước cửa phòng đào tạo của trường Bách khoa không biết có nên rút hồ sơ hay không. “Em thi được 23,75 điểm, đăng ký nguyện vọng một vào ngành KT12, nguyện vọng hai vào ngành CN3. Nhưng hiện giờ em đã bị gạt khỏi danh sách ngành KT12, ngành CN3 thì điểm chuẩn dự kiến đang đúng bằng mức điểm của em. Đến đây từ sáng nhưng giờ em vẫn băn khoăn có nên rút hay không. Nếu để em vẫn có nguy cơ bị trượt”, Trung chia sẻ.
Đồng hành cùng con trai trong những ngày nộp hồ sơ xét tuyển, chị Bùi Thị Nga (Hà Nội) đã thấm mệt dù không phải đi quãng đường dài như thí sinh và phụ huynh các tỉnh. Chị cho biết, con trai thi khối A được 23,5 điểm, đã nộp hồ sơ vào khoa Công nghệ thông tin của Bách khoa, nhưng thấy không an toàn nên rút ra, nộp vào Kinh tế quốc dân. Tuy vậy, cho đến sáng 20/8 chị và con vẫn thấy chưa yên tâm nên quyết định lần thứ 4 đến trường để theo dõi tình hình.
“Bộ Giáo dục phải xem lại phương án tuyển sinh, như thế này khổ cho người dân quá. Mọi năm thi xong là biết đỗ hay trượt, năm nay phải tính toán, canh điểm, rút ra rút vào mà vẫn không chắc có đỗ hay không”, chị Nga tâm sự.