THIẾU VÀ THỪA VITAMIN A, D

Tác giả : BS. PHẠM THỊ THỤC (Trung tâm Tư vấn y tế 1088)

Vitamin là những chất hữu cơ có phân tử thấp, cần thiết cho quá trình đồng hóa và sử dụng các chất dinh dưỡng cũng như xây dựng tế bào và tổ chức cơ thể. Vitamin phần lớn không tổng hợp được trong cơ thể mà phải cung cấp từ những thức ăn có nguồn gốc động vật và thực vật. Nhu cầu về vitamin của cơ thể tuy ít nhưng bắt buộc phải có. Nếu thiếu sẽ xuất hiện một số bệnh lý như bệnh còi xương do thiếu vitamin D, bệnh khô giác mạc do thiếu vitamin A, bệnh Scorbut do thiếu vitamin C…
PHÂN LOẠI VITAMIN
Vitamin được chia thành 2 nhóm là nhóm vitamin tan trong nước như vitamin B, C… và nhóm vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D… Nhóm vitamin tan trong nước khi thừa đều thải ra theo nước tiểu, vì vậy ít xảy ra tình trạng ngộ độc các vitamin nhóm này. Ngược lại, các vitamin tan trong chất béo được dự trữ ở gan với các mức độ khác nhau. Với một lượng vitamin A, D quá cao có thể gây ngộ độc cho cơ thể. Trước nay, nhiều người vẫn lầm tưởng vitamin là loại thuốc bổ, uống bao nhiêu cũng được và dùng càng nhiều càng tốt. Vậy ta hãy tìm hiểu xem việc thiếu và thừa vitamin A và D sẽ gây ra những hậu quả gì?

VITAMIN A (RETINOL)
Có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, trước hết là vai trò với quá trình nhìn vì nó là thành phần thiết yếu của sắc tố võng mạc, cần thiết để giữ gìn toàn vẹn lớp tế bào biểu mô bao phủ bề mặt và các khoang trong cơ thể.

Nếu thiếu vitamin A sẽ gây khô da ở màng tiếp hợp, khi lan tới giác mạc thì làm khô giác mạc, nặng hơn sẽ làm thủng giác mạc và dẫn tới mù lòa. Thiếu vitamin A còn gây sừng hóa nang lông, bề mặt da thường nổi gai; Làm giảm tốc độ tăng trưởng, giảm sức đề kháng với bệnh tật.

Nếu thừa vitamin A sẽ gây đau bụng, buồn nôn, bơ phờ, chậm chạp, phù gai thị, thóp phồng, vài ngày tiếp theo da bong toàn thân rồi hồi phục dần khi đã ngừng thuốc. Ngộ độc mãn có thể xảy ra sau khi uống 40.000 đơn vị hoặc hơn mỗi ngày, dùng thời gian dài gây đau xương khớp, rụng tóc, môi khô nứt nẻ, chán ăn, gan lách to. Làm xét nghiệm vitamin A huyết thanh tăng.

Ðối với phụ nữ có thai 3 tháng đầu, nếu dùng quá 10.000 đơn vị vitamin A mỗi ngày kéo dài dễ bị dị dạng thai nhi. Còn beta caroten – một tiền chất của vitamin A nếu tăng quá cao trong máu sẽ làm da có màu vàng, nhất là ở gan bàn tay, bàn chân. Ngừng cung cấp beta caroten, vàng da sẽ giảm dần.

Vitamin A chủ yếu có trong thực phẩm nguồn gốc động vật, đặc biệt ở gan các loài cá và một số động vật khác, trong lòng đỏ trứng có 70-90% vitamin A dưới dạng tự do.

Trong thực vật, chủ yếu chứa dạng tiền vitamin A gọi là caroten (Trong đó beta caroten hay gặp nhất và có hoạt tính cao nhất). Beta caroten có trong phần xanh của thực vật cũng như các loại rau quả có màu da cam. Vào cơ thể, caroten được chuyển hóa thành vitamin A chủ yếu ở thành ruột non, nhưng chỉ vào khoảng 70 – 80% (Ở người từ 6mcg beta caroten của thức ăn, cơ thể chỉ được hấp thu 1mcg Retinol).

Nhu cầu hàng ngày về vitamin A ở trẻ em là 400mcg và ở người trưởng thành là 600mcg.

Lượng vitamin A và beta caroten trong một số thực phẩm (mcg trong 100g thực phẩm ăn được).

Thực phẩm Vitamin A Thực phẩm Beta Caroten

Gan gà 6.960mcg Cà rốt 5.040mcg

Gan lợn 6.000mcg Ðu đủ chín 2.100mcg

Trứng vịt lộn 875mcg Rau ngót 6.650mcg

Lươn 1.800mcg Rau dền cơm 5.300mcg

VITAMIN D (Ergocan-xiferol D2, Cholecan-xiferol D3)
Vai trò của vitamin D là điều hòa sự chuyển hóa Calci và Phospho trong cơ thể, làm tăng hấp thu và đồng hóa Calci lên tới 50-80% nhu cầu cần thiết cho quá trình cốt hóa.

Nếu thiếu vitamin D sẽ dẫn đến còi xương. Vitamin D tích lũy trong cơ thể, sau khi được chiếu nắng thì D2 ở da sẽ chuyển thành D3. Nhưng hoạt động này dao động tùy theo mùa trong năm và giờ trong ngày. Một lượng thừa vitamin D tích lũy trước hết ở gan và được phân giải qua thời gian dài, vì vậy để phòng và điều trị còi xương, có thể cho một liều cao vitamin D.

Ðối với trẻ dưới 2 tuổi, nếu thiếu vitamin D thì các rối loạn ban đầu không điển hình như dễ bị kích thích, ra mồ hôi, dần dần rõ hơn là chậm mọc răng, thóp liền chậm, mềm xương sọ, dễ bị co giật. Khi trẻ biết đứng sẽ cong cột sống, đi chân vòng kiềng. Ở các nước xứ lạnh, nguyên nhân chính của thiếu vitamin D là ánh sáng tự nhiên không đủ. Biểu hiện lâm sàng thường rõ ở những trẻ bụ bẫm, lớn nhanh và không rõ ràng ở trẻ suy mòn, chậm lớn. Vitamin D chủ yếu có ở sữa, trứng, gan bò, lợn, đặc biệt là gan cá thu. Vitamin D3 hoạt động mạnh hơn vitamin D2 với tỷ lệ 4:3.

Nếu thừa vitamin D: khi dùng với liều cao D2, D3 hàng nghìn lần liều phòng có thể gây ngộ độc. Các triệu chứng hay gặp là kém ăn, buồn nôn, nóng, tiểu nhiều, ngừng lớn, xanh xao. Ðôi khi gây co giật khó thở. Trong nước tiểu có nhiều Calci, Phospho và các hình trụ ở trẻ em khi điều trị còi xương thấy xuất hiện một số trường hợp kháng vitamin D, cũng như một số trường hợp lại nhạy cảm với nó. Ở những trẻ này chỉ cho từ 1.000 đơn vị đến 3.000 đơn vị/ngày đã xuất hiện triệu chứng ngộ độc.

Lượng vitamin D trong một số thực phẩm

Sữa mẹ 2-4 đơn vị/100g (Mùa hè); 0,3-2 đơn vị/100g (Mùa đông).

Sữa bò 4 đơn vị; Trứng 50-200; Lòng đỏ trứng 300; Gan bò 100; Gan lợn 90, Gan cá thu 500-1.500.

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*