Nghề Hộ sinh – Vất vả nhưng vinh quang

Trong hoạt động của hệ thống bệnh viện, nguồn nhân lực Điều dưỡng, Hộ sinh đã và đang đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh và đưa các dịch vụ chăm sóc hướng về cộng đồng nhằm cải thiện nâng cao đời sống, sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn … Một trong những giải pháp quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản đó là phát triển nguồn nhân lực để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe sinh sản, bên cạnh đội ngũ bác sỹ sản phụ khoa thì còn một lực lượng đông đảo đó là những người hộ sinh. Họ đồng hành cùng những người mẹ từ khi mang thai đến khi mong ngóng bé cưng chào đời, hiểu từng cơn đau quặn thắt, họ rơi nước mắt khi một đứa trẻ vừa chào đời đã vội vĩnh biệt cuộc sống và nở nụ cười hân hoan cùng gia đình sản phụ khi mẹ tròn con vuông, họ thầm lặng làm tiếp công việc của mình sau khi một đứa trẻ bình an ra đời. Đánh giá vai trò của họ, Tổ chức Y tế Thế giới nhận định “…dịch vụ chăm sóc sức khoẻ do điều dưỡng – hộ sinh cung cấp là một trong những trụ cột của dịch vụ y tế”. Hộ sinh là một cụm từ xuất phát từ các từ tiếng Anh “Midwifed”, từ thời Ai cập cổ đại 1900-1550 TCN, nữ hộ sinh là một nhân viên làm việc ở lĩnh vực y tế trong chăm sóc sức khoẻ sản khoa và phụ khoa đã được biết đến là một “bà đỡ” với nhiều danh hiệu khác nhau như: Y tá (iatrinē), nữ hộ sinh (Maia),… Đầu thế kỷ XIIX, ở Anh hầu hết trẻ em sinh ra do nữ hộ sinh đỡ; Ở Mỹ y tá – nữ hộ sinh được biết đến từ những năm 1925 trong các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ; Ở Canada, năm 1990 hộ sinh là một ngành nghề được qui định trong hệ thống y tế chăm sóc sức khoẻ…

Vai trò của người hộ sinh tuỳ thuộc vào vị trí nơi họ công tác, từ trạm y tế xã hay bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến trung ương, công việc của họ thường là chăm sóc, tư vấn trước sinh cho thai phụ, phát hiện những những rối loạn sinh lý thông thường và đề ra những kế hoạch chăm sóc cụ thể cho từng trường hợp; là người trực tiếp theo dõi diễn biến cuộc chuyển dạ, chăm sóc những nhu cầu sinh lý cơ bản cho thai phụ, cảm thông chia sẻ tạo cảm giác an toàn cho thai phụ và cùng giúp thai phụ vượt qua cuộc chuyển dạ một cách toàn vẹn, đồng thời phát hiện những biến chứng, những dấu hiệu bất thường sớm nhất để xử lý kịp thời những tai biến xảy ra cho thai phụ, hạn chế được tử vong; bên cạnh đó họ còn là người chuẩn bị, phụ giúp bác sĩ trong những trường hợp đẻ khó, thủ thuật phức tạp, chăm sóc nhằm duy trì, phục hồi và nâng cao sức khoẻ, phát hiện những biến cố và tư vấn kế hoạch hoá gia đình cho người phụ nữ sau sinh; hướng dẫn sản phụ cho con bú, giúp sản phụ phát hiện những bất thường, theo dõi và chăm sóc trẻ sơ sinh trong thời gian nằm viện. Có thể nói hộ sinh là chuyên gia trong chăm sóc thai kỳ bình thường và chăm sóc sức khỏe của phụ nữ, bác sĩ là chuyên gia trong lĩnh vực phẫu thuật và điều trị bệnh lý; Hai ngành đó bổ sung cho nhau và tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh trong chăm sóc sức khoẻ phụ nữ từ khi dậy thì đến sau mãn kinh.

Trong cộng đồng, người nữ hộ sinh có vai trò quan trọng trong việc tư vấn, giáo dục sức khoẻ, phòng bệnh, không chỉ cho người phụ nữ mà còn trong các gia đình và cộng đồng, chăm sóc liên quan đến sức khỏe sinh sản, khám phụ khoa hàng năm, kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc mãn kinh, công việc này bao gồm giáo dục tiền sản, chuẩn bị các kiến thức cơ bản và chuyên sâu cho người phụ nữ trước khi làm mẹ. Họ còn được phép làm một số thủ thuật sản khoa thông thường như: Hút điều hoà kinh nguyệt, đặt dụng cụ tránh thai, khám phát hiện viêm nhiễm phụ khoa… vai trò đó đặc biệt quan trọng ở những nơi chưa có bác sĩ. Ở trình độ cử nhân, nữ hộ sinh còn có vai trò là người nghiên cứu và là người lãnh đạo quản lý, phát triển kiến thức cũng như kỹ năng tay nghế nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ.

Hiện nay Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương đang đào tạo hộ sinh ở trình độ cao đẳng. Bộ môn Sản phụ khoa Trường cam kết với người học sau khi ra trường, người Hộ sinh trình độ cao đẳng có khả năng lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và trẻ em, giáo dục truyền thông về sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình cho phụ nữ và cộng đồng; có đạo đức nghề nghiệp, khả năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, có kỹ năng giao tiếp hiệu quả để nâng cao khả năng hợp tác với các nhân viên y tế, với người bệnh và cộng đồng và khả năng học tập suốt đời, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm thiể các rủi ro có thể xảy ra cho các bà mẹ khi mang thai và lúc sinh nở.
Việc chọn lựa chuyên ngành hộ sinh sẽ là vất vả, nhưng vinh hạnh là người đầu tiên chào đón những sinh linh nhỏ bé, đó là những “chồi non”, là sinh khí của xã hội, là vận mệnh của đất nước trong tương lai.

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*