Giảm phiền hà, thủ tục trong cấp phép cho y tế tư nhân

Các chủ đề “nóng” về cấp giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề, hạn chế nhân lực y tế, phòng khám bán thuốc bóc nhãn…đã được Bộ Y tế giải trình trong phiên họp toàn thể với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, vừa diễn ra sáng nay (13/4) tại TP.HCM.

Rào cản trong cấp chứng chỉ hành nghề

Trong phiên họp, rất nhiều câu hỏi được các thành viên của Ủy ban về các vấn đề xã hội nêu ra cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực thắc mắc: “Bộ Y tế đánh giá thế nào về vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, rồi hiện tượng thuê bằng cấp, người nước ngoài khám chui, không giấy phép hành nghề? Để xảy ra các hạn chế như trên Bộ Y tế có trách nhiệm và giải pháp gì không?

Hay ông Đăng Thuần Phong – Phó Chủ nhiệm Ủy ban đề cập: “Rào cản lớn nhất trong công tác cấp chứng chỉ hành nghề làm khó Bộ Y tế là gì? Bộ Y tế có ý định dùng việc cấp chứng chỉ hành nghề để thu hút bác sĩ về vùng sâu vùng xa, hay làm việc tại các trại giam…?”
Một thành viên khác của Ủy ban chất vấn: “Nhiều phòng khám vừa khám bệnh, vừa bán thuốc. Họ bán thuốc không có toa, hoặc thuốc bị bóc nhãn rồi chia ra. Người dân lo lắng không biết đó có phải thuốc ngoài danh mục cho phép, hay giá thuốc đã được tính đúng chưa? Đề nghị Bộ Y tế nói rõ về điều này…”

Ngoài ra, nhiều thắc mắc được các thành viên Ủy ban nêu ra như: tại sao chậm ban hành hướng dẫn về cấp chứng chỉ hành nghề cho lương y, có nên xem xét giao lại quyền cấp chứng chỉ hành hề cho các hội nghề nghiệp để Bộ Y tế tập trung vào khâu hậu kiểm; bao giờ trạm y tế xã thuộc quân/dân y được cấp chứng chỉ hành nghề…?

Các chuyên gia y tế cũng bàn luận rất sôi nổi trong phiên họp, đưa ra ý kiến, đề xuất của mình về công tác tổ chức, quản lý y tế.

Tiến sĩ – bác sĩ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM nói: “Trung tâm y tế dự phòng quận/huyện không có chức năng khám chữa bệnh. Điều đó dẫn tới hệ lụy rất nhiều bác sĩ được đào tạo từ các trường đại học y, dược đang trở thành hoạt động bất hợp pháp bởi không có chứng chỉ hành nghề. Một vấn đề khác, ở nước ngoài phòng khám có thể làm những kỹ thuật y tế rất cao, thậm chí hơn bệnh viện. Tại sao Việt Nam không cho phép phòng khám làm kỹ thuật cao vượt tuyến…?”

Luật khám chữa bệnh đã quy định rõ

Trước các câu hỏi của các đại biểu trong phiên họp, sau khi thống nhất, Bộ Trưởng Bộ Y tế đã ủy quyền cho Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đại diện trả lời.
Thứ trưởng Xuyên cho biết, các trạm y tế quân, dân y chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu do Sở Y tế cấp thì hạn cuối cùng là trong năm nay. Còn các đơn vị thuộc quân y sẽ do bên quân y cấp.

Về việc chậm ban hành hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề cho lương y do Bộ Y tế và Hội Lương y Việt Nam chưa thống nhất được nhiều vấn đề.

“Nhiều trường hợp khi xem xét chúng tôi thấy còn rất trẻ, thậm chí chưa hề ngành nghề nên không đủ điều kiện để cấp. Trong tháng này Bộ Y tế đã có những thống nhất với hội, sẽ sớm ban hành thông tư hướng dẫn.”, Thứ trưởng Xuyên nói.

Trả lời câu hỏi tại sao Bộ Y tế không giao quyền cấp chứng chỉ hành nghề cho các hội nghề nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho rằng trong điều kiện hiện nay không khả thi.

“Nếu Bộ Y tế giao lại cho các hội nghề nghiệp cấp giấy chứng chỉ hành nghề, các hội sẽ gặp phải không ít khó khăn. Sau này khi các hội nghề nghiệp phát triển vững vàng, lớn mạnh thì sẽ do Chính phủ xem xét, chỉ đạo. Hiện nay Bộ Y tế đang quản lý hệ thống cấp chứng chỉ hành nghề thông qua mạng lưới công nghệ thông tin rất tốt” – Thứ trưởng Xuyên khẳng định.
Về chất vấn tình trạng thuê bằng cấp, bán thuốc bóc nhãn, Bộ Y tế giải thích rõ: “Khi ban hành, luật Khám chữa bệnh đã quy định rất rõ ràng. Bộ trưởng Y tế cũng đã chỉ đạo thành lập các đoàn thanh tra ở cấp bộ, sở để kiểm tra. Trong năm 2014, đã có 8000 đơn vị được thanh tra, thu hồi giấy phép và xử lý rất nhiều trường hợp. Số tiền xử phạt lên tới gần 15 tỷ đồng. Thuốc bán không đúng giá thì đã có quy định về kê đơn, niêm yết giá. Thuốc giả thì có Cục quản lý Dược thanh kiểm tra. Chúng ta nỗ lực nhưng tất nhiên cũng chỉ hạn chế được thôi.”

Cuối cùng, với đề xuất cho phòng khám thực hiện các kỹ thuật vượt tuyến của tiến sĩ Lê Trường Giang, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh: “Phòng khám phải thực hiện theo chức năng của phòng khám (chuyên khoa và đa khoa). Nếu muốn triển khai các danh mục kỹ thuật thì phải đủ điều kiện, sau khi được thẩm định đạt thì được phép nhưng phải trong khuôn khổ của pháp luật.”

Cuối phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định: “Hai rào cản lớn trong cấp giấy phép hành nghề là vấn đề nhân lực và một số cơ sở cố tình vi phạm. Lực lượng thanh tra của ngành y tế trên toàn quốc chỉ hơn 200 người. Nhiều phòng khám sai phạm đã bị xử lý cả hình sự và hành chính. Với vai vò là người đứng đầu tôi cảm thấy còn có sự bất bình đẳng giữa y tế tư nhân và công lập. Đề nghị các Sở Y tế giảm bớt phiền hà về thủ tục, hạn chế các phiền toái về cấp phép cho các cơ sở y tế tư nhân.”

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*