Học sinh bỏ hết Lịch sử thì rất nguy hiểm

Tuyển sinh – Chúng ta cần phải giáo dục tinh thần dân tộc cũng như nâng cao lòng yêu nước. Nếu Lịch sử không là môn bắt buộc mà học sinh bỏ hết thì rất nguy hiểm.

Tiếp tục đóng góp ý kiến vào Dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể” của Bộ GD-ĐT, nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục, nhà sử học cho rằng, môn Lịch sử không nên dạy tích hợp mà phải là môn học bắt buộc, độc lập ở các trường Trung học phổ thông.

Trong Dự thảo Chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mới được Bộ GD-ĐT công bố, từ bậc tiểu học đến bậc Trung học phổ thông, có 4 môn học bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và Giáo dục công dân Tổ quốc. Riêng môn Giáo dục công dân Tổ quốc được tích hợp từ 3 môn học gồm Giáo dục công dân, Giáo dục an ninh quốc phòng và Lịch sử.

Học sinh bỏ hết Lịch sử thì rất nguy hiểm

Lý giải về việc tích hợp môn Lịch sử, PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, việc tích hợp và tái cấu trúc môn học này nhằm tinh giảm, tránh chồng chéo, trùng lặp nội dung giáo dục, giảm số môn học theo yêu cầu Nghị quyết 29 của Trung ương lần thứ 8 về “Xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng; chủ trương tích hợp và phân hóa, giảm số môn học bắt buộc, tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn”.

Do đó, nhiều nội dung về giáo dục quốc phòng an ninh như: học sinh phải hiểu biết về nền quốc phòng toàn dân, truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, nghệ thuật quân sự của Việt Nam… có thể tích hợp được với môn Lịch sử và môn Giáo dục công dân. Cùng với đó, việc đặt nội dung của 3 phân môn này trong một môn có tác dụng bổ sung, hỗ trợ cho nhau.

Ông Đỗ Ngọc Thống nói: “Nếu môn Lịch sử đặt riêng ra thì thứ nhất sẽ có một số nội dung trùng với giáo dục an ninh quốc phòng và giáo dục công dân. Lý do thứ hai là giảm những môn học bắt buộc tăng tự chọn. Các nước khác thì họ bắt buộc học rất ít thậm chí lên cấp THPT là tự chọn hết”.

Việc tích hợp môn Lịch sử chưa hợp lý

Đứng trước quan điểm của Bộ GD-ĐT như trên, nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục, nhà sử học không đồng tình với việc tích hợp môn Lịch sử với hai môn Giáo dục công dân và Quốc phòng-an ninh và cho rằng, môn Lịch sử nên là môn độc lập, không tích hợp.

Theo PGS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội, người có nhiều năm dạy môn Lịch sử: Việc tích hợp môn Lịch sử như trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mà Bộ GD-ĐT mới đưa ra chưa hợp lý. Giáo dục công dân hay giáo dục an ninh quốc phòng có thể lấy một vài sự kiện, kiến thức lịch sử để xây dựng bài học theo mục đích của môn đó. Vì vậy, các môn học đó không phải là Lịch sử.

Ngược lại, môn Lịch sử không thể thay thế cho môn Giáo dục quốc phòng an ninh hay Giáo dục công dân. Hai môn này là những môn học của hiện tại, còn Lịch sử là môn học quá khứ, nhằm giáo dục truyền thống, nhân cách, đạo đức, giúp học sinh hiểu biết về cội nguồn của dân tộc. Đồng thời, môn học Lịch sử còn bồi dưỡng cho học sinh năng lực tư duy, hành động và thái độ ứng xử đúng đắn trong cuộc sống.

“Không nên tích hợp bộ môn Lịch sử. Môn Lịch sử phải là môn bắt buộc và đứng độc lập ở THPT. Trong điều kiện tình hình chính trị hiện nay, đất nước chúng ta cần phải giáo dục tinh thần dân tộc cũng như nâng cao lòng yêu nước. Nếu Lịch sử không phải là môn bắt buộc mà học sinh bỏ hết thì rất nguy hiểm. Trước mắt thì không sao nhưng nếu chọn tích hợp nội dung môn Lịch sử, chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử dân tộc và thế hệ trẻ sẽ không am hiểu lịch sử của đất nước” – PGS Nghiêm Đình Vỳ nói.

PGS.TS Trần Đức Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Sách và Học liệu Giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng, tích hợp là một xu hướng của giáo dục hiện đại, cần nghiên cứu và vận dụng vào nền giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, tích hợp không có nghĩa là môn học nào cũng phải tích hợp với những môn khác, mà phải trên cơ sở tùy thuộc vào từng môn. Đặc biệt, môn Lịch sử cần nghiên cứu kỹ.

Ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Trung Quốc…, môn Lịch sử vẫn là môn học bắt buộc và đứng độc lập. Để giúp học sinh học tốt môn Lịch sử thì cách bố trí và cấu trúc chương trình có khác nhau, trong đó có phương thức tích hợp ở cấp dưới và phân hóa dần ở cấp cao.

PGS.TS Trần Đức Tuấn phân tích: Vấn đề là tích hợp như thế nào, hiện nay chúng ta chưa học hết tất cả các kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Nhiều nước người ta tích hợp theo hướng là Lịch sử- Địa lý vì nó gần nhau nhưng có những nước tùy thuộc vào lịch sử của người ta, bối cảnh lịch sử.

Ví dụ như Hàn Quốc từ năm 2009, tích hợp môn Lịch sử với Địa lý nhưng hiện nay cũng đang xem xét lại việc tích hợp hai môn học này với nhau và đang có ý định tách đưa Lịch sử quay trở lại có tính chất độc lập.

Nhiều chuyên gia giáo dục và các nhà sử học đều cho rằng, vấn đề cốt lõi học sinh không thích học Lịch sử là do chương trình sách giáo khoa chưa phù hợp. Chương trình nặng cần phải giảm nhẹ nhưng không phải bằng mọi giá, giảm nhẹ không có nghĩa là cắt bỏ những môn liên quan đến giáo dục con người, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Có những môn học có thể tích hợp được nhưng có những môn không thể tích hợp được. Và môn Lịch sử thuộc số các môn học cần để độc lập, là môn bắt buộc chứ không phải là môn tự chọn.

Theo VOV

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*