13% số trường ĐH, CĐ không có thư viện

Tuyển sinh – Sáng 5.11, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học về hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật với công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo ở đại học. Hội thảo thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu, giảng dạy và quản lý của nhiều trường đại học phía Nam.

13% số trường ĐH, CĐ không có thư viện

Mở đầu hội thảo, thạc sĩ Phan Thanh Định, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phát biểu: “Từ hội nghị đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các trường ĐH và CĐ công lập toàn quốc, Bộ GD-ĐT từng chỉ ra thực trạng này còn nhiều hạn chế và yếu kém. Đầu tư trang thiết bị chưa đồng bộ, nhiều trường chưa có phòng thí nghiệm, thực tập, cách thức tổ chức và sử dụng chưa hợp lý”.
Dẫn chứng nhận định trên, bài tham luận của thạc sĩ Trịnh Xuân Thắng, Giảng viên Học viện Chính trị khu vực IV (Cần Thơ), cho biết: theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trong tổng số 196 trường ĐH và CĐ chỉ mới có 172 trường có thư viện truyền thống, có nghĩa có tới 13% số trường không có thư viện. Trong đó mới chỉ có 39,3% số trường có thư viện điện tử nhưng hầu hết chưa đáp ứng nhu cầu truy cập, trung bình 172 sinh viên mới có 1 máy tính. Mức độ đáp ứng nhu cầu đọc của sinh viên cũng rất thấp khi trung bình 21,2 sinh viên mới có 1 chỗ ngồi. Chưa kể, diện tích sử dụng thư viện trung bình của sinh viên chỉ ở mức 0,18 m2, rất thấp so với tiêu chuẩn thiết kế hiện hành 0,5 m2.
Cũng theo khảo sát của Bộ, trong số 5.572 phòng thí nghiệm của các trường ĐH và CĐ, chỉ có 22,5% có thiết bị tốt, 19% phòng có công nghệ hiện đại, chỉ 15,5% được trường đánh giá đạt mức độ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học và chỉ 1,4% phòng có chất lượng tương đương trên thế giới. Diện tích sử dụng phòng thí nghiệm cho sinh viên cũng hạn chế, trung bình khoảng 0,53 m2 so với tiêu chuẩn đặt ra 1,4 m2.
Thạc sĩ Trịnh Xuân Thắng nhấn mạnh: “Các phòng thí nghiệm hiện đại được giữ gìn kỹ lưỡng, chỉ học viên cao học và nghiên cứu sinh mới được tiếp cận. Lẽ ra khi theo học tín chỉ, sinh viên đóng học phí thực hành cao hơn lý thuyết thì khi vào phòng thí nghiệm phải được miễn phí. Chính bất cập này khiến sinh viên ngại đến phòng thí nghiệm hơn”.
Thạc sĩ Thắng cho rằng, tình trạng trên xuất phát từ việc cho phép, kiểm định các điều kiện để thành lập trường ĐH có phần buông lỏng. Điều này dẫn đến tăng nhanh số lượng trường, trong đó nhiều trường mới thành lập chưa đảm bảo cơ sở vật chất, đặc biệt trường ngoài công lập. Vì vậy, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu của các trường vừa không đủ về số lượng, vừa không đảm bảo chất lượng.

 Hà Ánh

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*