Thí sinh vẫn lăn tăn chọn ngành sát ngày đăng ký dự thi

Nhiều học sinh đặt câu hỏi cho các chuyên gia giáo dục về việc băn khoăn, không biết chọn ngành gì để học. “Em muốn nhờ ban tư vấn cho biết những ngành nào thì ra trường dễ xin việc?”, họ nêu.

Tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh 2015 tại Hà Nội, bên cạnh những thí sinh đã xác định được ngành mình muốn theo học, chọn trường để đăng ký, vẫn còn nhiều em phân vân không biết mình nên chọn học ngành gì, nghề gì.

Ngọc Hà (THPT Yên Viên, Gia Lâm) có mẹ là giáo viên tiểu học. Ngay từ khi còn nhỏ, mẹ Hà đã hướng cho em theo nghề giáo viên. Hà có tính cách hướng ngoại nên từ năm học lớp 11 đã cố thuyết phục mẹ cho thi du lịch nhưng không được. Bố mẹ Hà vẫn giữ quan điểm rằng cô phải nộp nguyện vọng 1 vào sư phạm.

IMG-1937-1430-1426519323.jpg

Vân Anh cùng mẹ đi nghe tư vấn tuyển sinh, nữ sinh này mới có dự định xét tuyển vào ĐH Kinh tế quốc dân nhưng chưa chắc chắn. Ảnh: H.P.

“Trong lớp em có khá nhiều bạn nộp hồ sơ thi sư phạm, hơn nữa học sư phạm ra trường cũng khó xin việc. Em học không giỏi và cũng không thấy tính cách của mình hợp với ngành sư phạm. Nhưng chọn ngành phù hợp với khả năng thì em đang phân vân giữa du lịch và marketing “, Ngọc Hà cho hay.

Nữ sinh tỏ ra khá lo lắng bởi phải xác định được ngành học, trường học để còn đăng ký môn thi, khối thi vào tháng 4 theo lịch của Bộ Giáo dục và đào tạo. Trước khi đăng ký, các em phải xác định mục đích tham dự kỳ thi và đăng ký chính xác số môn thi để khi tích hợp khối thi phù hợp với điều kiện xét tuyển của các trường đại học, cao đẳng.

Trái với Ngọc Hà, Mai Linh (THPT Yên Lãng, Mê Linh) đã chọn thi khối A nhưng vẫn đang đứng giữa hai lựa chọn là xét tuyển vào ĐH Bách khoa hay Học viện Tài chính. Năm nay, cả lớp của Linh dùng kết quả thi để xét tốt nghiệp và đại học, cao đẳng.

“Quy định mới năm nay là học sinh biết điểm thi rồi mới chọn trường. Do vậy, các bạn điểm cao sẽ nộp hết hồ sơ vào các trường đại học tốp đầu, tỷ lệ chọi vì thế mà cao hơn những năm trước”, Linh phân tích. Với một học sinh có sức học khá như cô, cơ hội vào bách khoa hoặc tài chính là có khả năng nhưng cũng không thể chắc chắn. Vì vậy, Linh phải cân nhắc kỹ để chọn được ngành học phù hợp với sở trường bản thân và có cơ hội vào đại học cao.

Linh chia sẻ, dù trước kỳ thi có nhiều nỗi lo như chọn trường, đề thi, di chuyển đến địa điểm thi nhưng cũng đành gạt hết sang một bên để tập trung ôn cho tốt. Linh lựa chọn thi 5 môn là Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa và đang tập trung hết sức để “bổ túc” thêm kiến thức hai môn Anh, Văn.

Đưa con gái là Vân Anh (THPT Lê Quý Đôn) đi nghe tư vấn tuyển sinh, chị Thanh (ở Hà Đông) chia sẻ, năm nay có nhiều xáo trộn trong học và thi nên nhiều phụ huynh như cô rất lo. Cô thích con gái thi vào trường y nhưng sợ đăng ký nhiều môn, áp lực học hành sẽ đè nặng thêm nên lựa chọn thế nào vẫn để con tự quyết định.

Vân Anh dự định đăng ký thi khối A, ngành kế toán nhưng chưa biết nên lựa chọn trường nào phù hợp nhất. Cô dự định đăng ký nguyện vọng 1 vào ĐH Kinh tế quốc dân. Dù đã nắm vững quy chế xét tuyển là nguyện vọng 1 có thể dùng giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký vào một trường với tối đa 4 ngành theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Trong quá trình, nếu không có nhiều cơ hội thì có thể rút hồ sơ sang trường khác xét tuyển nhưng cô vẫn lo vì trường mình dự định nộp hồ sơ là trường đầu ngành, có tỷ lệ chọi cao.

“Nếu thấy tỉ lệ chọi quá cao, nguyện vọng 1 không được như ý thì em sẽ rút hồ sơ đăng ký học ở các trường tầm trung, thuộc khu vực Hà Đông cho gần nhà”, nữ sinh cho hay và nói rằng việc đăng ký 5 môn thi hơi thiệt thòi cho học sinh khối A như cô, các bạn học khối A1, khối D sẽ được lợi hơn. Không dự định học Văn và Tiếng Anh ngay từ đầu nên giờ Vân Anh đang gấp rút ôn tập.

IMG-1956-6798-1426519323.jpg

Bên cạnh những thắc mắc về quy chế tuyển sinh năm nay, nhiều học sinh băn khoăn chưa biết chọn ngành gì cho phù hợp với tính cách và năng lực. Ảnh: H.P.

Ở khu vực tư vấn theo từng ngành học, nhiều học sinh đã đặt câu hỏi chung cho các chuyên gia giáo dục là “em băn khoăn không biết chọn ngành gì để học. Em muốn nhờ ban tư vấn cho biết những ngành nào thì ra trường dễ xin việc?”.

Theo tiến sĩ Phạm Mạnh Hà – Phó trưởng khoa công tác thanh niên, học viện thanh thiếu niên Việt Nam – bất cứ ở ngành nào, trường nào nếu người học tốt nghiệp loại giỏi đều dễ xin việc. Điều quan trọng là phải lựa chọn ngành mình thích, thực sự có sở trường, có đam mê chứ không phải ngành đấy thời thượng. Theo ông, để lựa chọn ngành học một cách chuẩn xác thì phải xác định được các bước cơ bản: liệt kê sở thích, đặt câu hỏi mình giỏi nhất ở lĩnh vực gì (sở trường) và tìm hiểu nhu cầu của xã hội cũng như tính chất công việc mà mình sẽ lựa chọn để đưa ra quyết định đúng đắn.

“Tại thời điểm này, thí sinh phải xác định  ngay được mình sẽ làm gì trong tương lai. Ngành nghề đó được đào tạo ở trường nào, năng lực bản thân đến đâu để ghi vào nguyện vọng 1 thì cơ hội đỗ mới cao. Thời gian sau này nộp nguyện vọng 2, 3 sẽ cực kỳ ngắn, nếu thí sinh cứ lăn tăn, không xác định được mục tiêu thì dễ lựa chọn bừa, để vuột mất cơ hội vào trường hoặc đi học ngành mà mình không thích”, tiến sĩ Hà chia sẻ.

PGS TS Trần Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Giáo dục đại học – cho hay, điểm khác biệt của kỳ thi năm nay là sau khi có kết quả thi thì mới phải đăng ký ngành, trường mà không phải chọn trước giống như mọi năm. Vì thế, thí sinh có thời gian để cân nhắc kỹ lựa chọn của mình, hạn chế được tình trạng trượt cơ hội vào đại học, cao đẳng do chọn nhầm ngành, trường.

Theo lịch của Bộ Giáo dục, từ 1/4 đến 30/4, thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký dự thi. Theo ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó khảo thí và kiểm định chất lượng, thì khi làm hồ sơ, các thí sinh cần xác định rõ mục đích tham dự kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT hay để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, hay là cả hai mục đích để đánh dấu vào ô tương ứng trong phiếu đăng ký dự thi.

Hoàng Phương

>>> Tuyển sinh 2015 – Lễ hội nhiều màu sắc

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*