Những điều cần biết về tuyển sinh vào ĐH Quốc gia Hà Nội

ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức hai đợt tuyển sinh vào trường. Đợt 1 từ ngày 30-5 đến ngày 2-6. Đợt 2 diễn ra từ ngày 1-8 đến ngày 4-8

“Kỳ thi đánh giá năng lực đợt một diễn ra trước kỳ thi THPT quốc gia, khi đó các em đã hoàn tất chương trình học nên có thể thoải mái đăng ký dự thi. Chậm nhất 30-6, ĐH Quốc gia Hà Nội công bố ngưỡng xét tuyển, do đó thí sinh sẽ biết mình đã trúng tuyển hay chưa. Nếu trúng tuyển, thí sinh chỉ cần thi THPT quốc gia và đủ điểm tốt nghiệp là có thể vào ĐH Quốc gia. Nếu chưa trúng tuyển đợt 1, các em vẫn dự thi THPT quốc gia và sử dụng kết quả để xét tuyển ở các trường ĐH khác”.

PGS-TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết sau khi trường này công bố cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh vào ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2015.

Thí sinh dự thi vào ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2014.

Theo ông Sơn, những em chưa trúng tuyển đợt 1, hoặc dự thi xong THPT quốc gia vẫn còn cơ hội đăng ký thi đánh giá năng lực đợt hai được ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức vào tháng 8. Như vậy, khi đăng ký dự kỳ thi của ĐH Quốc gia Hà Nội, thí sinh sẽ có cơ hội tối đa, nhân đôi, nhân ba cơ hội vào ĐH.

Ông Sơn cũng cho biết nhà trường sẽ tổ chức bảy cụm thi ở Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định và Thái Nguyên. Thí sinh có thể đăng ký dự thi đợt 1 từ ngày 20-3 bằng ba hình thức: đăng ký trực tuyến theo địa chỉ: http://www.cet.vnu.edu.vn, mục “Đăng ký trực tuyến”; nộp hồ sơ trực tiếp tại trường hoặc nộp qua đường bưu điện.

ĐH Quốc gia Hà Nội là trường duy nhất trong mùa tuyển sinh 2015 thực hiện tuyển sinh riêng theo bài thi đánh giá năng lực. Theo ông Sơn, bài thi đánh giá năng lực gồm 140 câu hỏi trắc nghiệm, làm trong thời gian 195 phút trên máy tính. Trong đó gồm 50 câu hỏi kiến thức toán, 50 câu hỏi kiến thức ngữ văn, thí sinh được lựa chọn một trong hai nội dung kiến thức khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và kiến thức khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân), mỗi nội dung sẽ có 40 câu hỏi.

Ngoài ra có bài thi ngoại ngữ dành cho những thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Ngoại ngữ. Bài thi ngoại ngữ là một trong các bài thi tiếng Anh (D1), tiếng Nga (D2), tiếng Pháp (D3), tiếng Trung Quốc (D4), tiếng Đức (D5) và tiếng Nhật (D6) gồm 80 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài là 90 phút.

“Đề thi được tổ hợp ngẫu nhiên nhưng theo ma trận đề thi gồm 20% khó, 20% dễ và 60% trung bình chứ không phải tổ hợp lộn xộn. Trong quá trình tổ hợp, các đề cũng sẽ được cân bằng độ khó, và mỗi thí sinh rút ra một đề. Vì vậy sẽ không có chuyện đoán mò hay đỗ do ăn may” – ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho biết nhà trường đã chuẩn bị đội ngũ kỹ thuật để rà soát máy tính, trong quá trình làm bài mà máy tính có trục trặc thì thí sinh sẽ được chuyển sang máy dự phòng.

Trường hợp không còn máy dự phòng mà thời gian chờ sửa chữa máy móc vượt quá thời gian quy định thì các em được chuyển sang ca thi tiếp theo. ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ không để vì lý do kỹ thuật mà ảnh hưởng đến thời gian làm bài của các em.

 

>>> Tuyển sinh 2015 – Những điều quan trọng thí sinh cần biết

>>> Tuyển sinh 2015 – Làm hồ sơ xét tuyển như thế nào

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*