Làm gì sau khi biết kết quả thi THPT quốc gia?

Câu hỏi này nếu đặt ra ở các năm trước thì sẽ bị coi là ngớ ngẩn nhưng năm nay lại hết sức quan trọng vì đây là lúc thí sinh sẽ quyết định chọn ngành, trường ĐH. Nếu không cẩn trọng, có khi thí sinh không vào được trường học như ý nguyện.

Làm gì sau khi biết kết quả thi?

Theo dõi việc xét công nhận tốt nghiệp

Theo kế hoạch tuyển sinh, trước ngày 27.7 các sở GD-ĐT sẽ hoàn thành việc xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết sau khi biết kết quả thi THPT quốc gia, điều thí sinh (TS) cần lưu ý đầu tiên là theo dõi thông tin từ các sở GD-ĐT về việc xét công nhận tốt nghiệp trước khi tiến hành nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ĐH, CĐ.
Cũng theo tiến sĩ Chính, chỉ những TS đỗ tốt nghiệp THPT mới được tham gia nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 từ ngày 1 – 20.8. Theo quy định, hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm: giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc, phiếu đăng ký xét tuyển và phong bì dán sẵn tem ghi rõ địa chỉ liên lạc. TS sẽ nhận giấy chứng nhận kết quả thi tại nơi đăng ký dự thi, còn phiếu đăng ký xét tuyển có thể in trực tiếp từ website các trường hoặc nhận trực tiếp tại trường.

Thận trọng tổ hợp môn mới

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT, muốn có cơ hội trúng tuyển cao, TS nên căn cứ điểm thi cụ thể để chọn tổ hợp môn có điểm cao nhất. Tuy nhiên, trước mắt nên chọn ngành theo sở thích. Đặt trường hợp ngành mình muốn học rơi vào tổ hợp môn có điểm cao nhất thì rất dễ dàng. Nhưng nếu ngành đó lại nằm ở tổ hợp môn có điểm không cao thì TS nên chọn ngành này ở các trường mọi năm có điểm chuẩn tương đương hoặc thấp hơn điểm của mình.
Khi xét tuyển theo tổ hợp môn, TS cần lưu ý theo quy định chung năm nay, các trường chỉ được dành 25% tổng chỉ tiêu toàn trường hoặc của từng ngành để xét tổ hợp môn mới. Vì vậy, TS sử dụng tổ hợp môn mới cần phải thận trọng. Vì ít chỉ tiêu, có thể điểm chuẩn của các ngành xét theo tổ hợp môn này sẽ cao hơn so với các tổ hợp môn khác.
PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết năm nay trường có nhiều ngành xét tuyển tổ hợp môn mới nhưng họa hoằn lắm TS mới nên chọn tổ hợp môn mới để nộp hồ sơ xét tuyển. Nếu chênh lệch điểm của tổ hợp này so với tổ hợp truyền thống không nhiều thì TS nên chọn theo tổ hợp truyền thống. Chỉ khi điểm tổ hợp môn mới cao hơn rất nhiều mới nên chọn. Vì các trường ưu tiên xét TS ở tổ hợp truyền thống trước nên cơ hội của TS chọn tổ hợp mới là 0 – 25% chứ không phải là 25% nữa.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết đầu tiên TS nên chọn ngành theo sở thích của mình. Nếu điểm thi của tổ hợp môn cao hơn mức điểm tối thiểu trường mình muốn xét tuyển công bố thì có thể mạnh dạn nộp hồ sơ. Nếu không đủ điểm, có thể nộp hồ sơ vào ngành mình yêu thích ở một trường khác cùng đào tạo có điểm tối thiểu thấp hơn.

Cơ hội vào ĐH cho thí sinh thi cụm địa phương

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, vào thời điểm này, TS thi tại cụm thi địa phương vẫn có thể vào học tại các trường ĐH theo diện xét tuyển học bạ.
Theo đề án tuyển sinh riêng, có trường dành đến 50% chỉ tiêu để xét tuyển học bạ, tạo nhiều cơ hội cho TS. Ngoài ra, hầu hết các trường xét học bạ đều là trường ngoài công lập, điểm xét tuyển sẽ không căng thẳng hơn so với cách xét theo điểm thi THPT quốc gia.
Các ngành khối năng khiếu, ngoài việc xét 2 môn văn hóa theo học bạ THPT, ở môn năng khiếu, TS còn phải tham gia kỳ thi do các trường tổ chức hoặc nộp kết quả thi từ trường khác để xét tuyển.

1/8 bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đại học

Dự kiến trước 1/8 Bộ GDĐT sẽ xác định ngưỡng xét tuyển để các trường ĐH, CĐ bắt đầu nhận hồ sơ.

Sau ngày 20/7, khi các cụm thi đã báo cáo kết quả thi đầy đủ, Bộ GDĐT sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu, công bố kết quả thi thống nhất trong toàn quốc. Sau đó các sở GDĐT tiếp nhận dữ liệu kết quả thi của thí sinh thuộc địa phương mình để xét tốt nghiệp THPT.

Trước đây khi tổ chức thi “3 chung”, điểm sàn được cân nhắc để vừa đảm bảo chất lượng vừa đảm bảo nguồn tuyển cho tất cả các trường trong cả nước. Năm nay ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào liên quan chủ yếu đến việc xét tuyển và chỉ tiêu của những trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Dự kiến từ 20 – 31/7, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp thảo luận đưa ra nguyên tắc xác định ngưỡng điểm xét tuyển đơn giản nhất, phù hợp nhất để các trường dễ áp dụng chung cho tất cả các tổ hợp xét tuyển.

Theo kế hoạch, từ 1/8 các trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1. Đợt xét tuyển đầu tiên này rất quan trọng vì các trường thường tuyển hơn 70% chỉ tiêu trong đợt này. Thí sinh chỉ được nộp hồ sơ vào một trường với 4 nguyện vọng vào các ngành khác nhau của trường này.

Trong thời gian xét tuyển đợt 1, thí sinh theo dõi thông tin thống kê của trường để quyết định thay đổi nguyện vọng hay rút hồ sơ để nộp sang trường khác có khả năng trúng tuyển cao hơn. Việc thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào ngành có thể thực hiện đơn giản nhưng việc rút hồ sơ sẽ bất tiện hơn nhiều nên thí sinh phải cân nhắc việc chọn trường thật kỹ trước khi nộp hồ sơ.

Các đợt còn lại, thí sinh có thể nộp cùng lúc 3 giấy báo kết quả thi nên số ảo sẽ rất nhiều, cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ thấp hơn.

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*