Hệ thống quản lý thi THPT quốc gia: Có giải pháp bảo mật tốt

Hôm qua, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel làm lễ khai trương hệ thống Quản lý thi THPT quốc gia. Theo đánh giá của các đơn vị thử nghiệm, hệ thống có nhiều ưu điểm, đặc biệt là có giải pháp đảm bảo tính bảo mật tốt.

Hệ thống quản lý thi THPT quốc gia sẽ giúp hạn chế tình trạng thí sinh ảo. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Giúp 1,5 triệu thí sinh đăng ký dự thi trên website

Phát biểu tại buổi lễ, đại tá Hoàng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel cho biết, đây là sản phẩm CNTT hợp tác giữa hai cơ quan nhằm giúp 1,5 triệu thí sinh trên toàn quốc đăng ký dự thi và cập nhật kết quả qua trang web, liên thông 3.867 điểm tiếp nhận hồ sơ trên cả nước, 38 cụm thi liên tỉnh và 65 cụm thi tỉnh, gần 4.200 trường THPT, hơn 430 trường ĐH – CĐ và 63 Sở GD&ĐT trên toàn quốc. Hệ thống giúp ngành GD&ĐT dễ dàng giám sát, thống kê, phân tích số liệu tổng thể của kỳ thi, làm cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch đào tạo trong tương lai.

“Phần mềm có nhiều ưu điểm, trong đó điểm nổi bật là tạo cơ hội cho học sinh – phụ huynh có thể cùng nghiên cứu, tra cứu hỗ trợ bản thân học sinh và gia đình kiểm tra được thông tin, kiểm tra được kết quả thi để lựa chọn các trường ĐH – CĐ phù hợp với nguyện vọng và khả năng”.Ông Phạm Văn Khuông, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT, cho biết hệ thống Quản lý thi bắt đầu được nghiên cứu, xây dựng và thử nghiệm từ hơn nửa năm nay. Sau khi điều chỉnh, bổ sung, hệ thống phần mềm được đưa vào tập huấn cho các Sở GD&ĐT, các trường ĐH được giao nhiệm vụ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Sau khi tập huấn, phần lớn các ý kiến góp ý đã được tiếp thu để nhóm chuyên gia hoàn thiện phần mềm giúp vận hành tốt các phân hệQuản lý đăng ký, Tổ chức thi, Hỗ trợ chấm thi và quản lý kết quả thi từ 31/3.Đối với các phân hệ Xét tốt nghiệp THPT, Xét tuyển sinh ĐH – CĐ 2015 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 5 để đưa vào vận hành.

Tiện lợi cho học sinh, bảo mật tốt

Trước khi chính thức khai trương hệ thống, Bộ GD&ĐT đã đưa về Trường THPT Quản Bạ, Hà Giang để chạy thử. Đây là trường thuộc huyện khó khăn với 99% học sinh dân tộc ít người như Mông, Dao, Nùng, Bố Y…

Nhà trường đã huy động 10 cán bộ, giáo viên, 66/171 học sinh khối 12 tham gia tập huấn. Theo ông Phạm Văn Khuông, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang, kết quả cho thấy các cán bộ giáo viên đều tiếp thu và sử dụng tốt các chức năng cơ bản của phần mềm triển khai cho điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi; 100% học sinh biết sử dụng cơ bản các chức năng của phần mềm dành cho thí sinh.

Tuy nhiên ông Khuông cũng tỏ ra lo ngại khi đây là một phần mềm trực tuyến và đề nghị các chuyên gia cần đặc biệt quan tâm tới tính bảo mật, đồng thời tính toán đến dung lượng và tốc độ để đáp ứng yêu cầu nhiều người truy cập cùng một lúc.

Đến từ một đơn vị thử nghiệm hệ thống, PGS – TS Thái Văn Thành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh khẳng định, phần mềm có giải pháp đảm bảo tính bảo mật tốt (sử dụng giải pháp mạng riêng ảo VPN để xác thực tài khoản).

Theo ông Thành, cần tiếp tục bổ sung một số yếu tố kỹ thuật để hoàn thiện hệ thống, chẳng hạn như chức năng cập nhật tình trạng dự thi thực tế (vắng thi, vi phạm quy chế thi) của thí sinh cần có màu sắc để phân biệt; Bỏ chức năng “Chọn cụm thi” trong phân hệ Hỗ trợ chấm thi vì nếu người dùng thao tác nhầm thì dữ liệu sẽ bị xóa hết.

Đại tá Hoàng Sơn khẳng định Viettel sở hữu hạ tầng mạng lưới truyền dẫn rộng khắp, sở hữu hệ thống máy chủ đảm bảo bảo mật thông tin. Do đó, ngành GD&ĐT có thể yên tâm rằng hệ thống Quản lý thi đảm bảo các yêu cầu đồng bộ và hiện đại hóa quá trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí tổ chức, nâng cao hiệu quả quản lý nhờ CNTT.

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*