Hậu kỳ thi THPT quốc gia: Điểm cao, lo khó tuyển sinh

Nhiều trường phải tăng tốc vì năm nay thời gian chấm thi ngắn đi 10 ngày so với mọi năm. Dư luận của các nhà quản lý chấm thi dự báo: năm nay điểm cao, khó tuyển sinh!

Hậu kỳ thi THPT quốc gia: Điểm cao, lo khó tuyển

Rọc phách chuẩn bị chấm thi môn Văn ở Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Trưởng Ban đào tạo ĐH Vinh, ĐH này tiến hành đánh phách, tập huấn, hướng dẫn chấm, thảo luận và chấm 2 vòng độc lập đúng theo quy chế. Giám khảo ĐH Vinh và 500 giáo viên THPT của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh làm việc với công suất cao – 3 ca chấm 1 ngày, trong đó ca tối đến 22 giờ để kịp tiến độ. Nhiều trường phải tăng tốc vì năm nay thời gian chấm thi ngắn đi 10 ngày so với mọi năm. Dư luận của các nhà quản lý chấm thi dự báo: năm nay điểm cao, khó tuyển!

Điểm bài thi cao

ĐH Vinh cho biết đã chấm khoảng 100 túi bài thi môn xã hội và một số lượng gấp 3 lần như thế đối với  môn tự nhiên – Toán 150 túi, Ngoại ngữ 100 túi. Kết quả bước đầu cho thấy môn Toán có 2 điểm 10, 1 bài điểm 9,75; môn Văn có 1 bài 9 điểm; môn tiếng Anh 2 bài điểm 10; Địa lý 2 điểm 10… Nhận xét chung là: điểm 7-8-9 tương đối  nhiều, phổ điểm xét tuyển vào ĐH, CĐ cao hơn năm trước; phổ điểm xét tốt nghiệp từng môn tạm ổn,  ít điểm liệt.

Tại hội đồng chấm của ĐH Thủy lợi (HN), ông Trịnh Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng nhà trường nhận xét bước đầu cho thấy thí sinh làm bài tốt: môn Toán nhiều điểm 5-7; điểm 8-9 cũng nhiều hơn mọi năm; điểm thi môn Văn nằm nhiều ở phổ điểm 5-7.

Ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng đào tạo ĐH Công nghiệp cho biết, phổ điểm chính của bài thi của thí sinh tại hội đồng chấm này, nằm ở khung 5-7 điểm và các môn đều như thế. Ông Thực mô tả, vẽ đồ thị điểm thi của thí sinh thì nếu như mọi năm, đồ thị có hình chóp đỉnh cao nằm ở khoảng giữa do điểm cao ít, thì năm nay điểm của thí sinh cao hơn, chóp của đồ thị bị đẩy sang bên phải. Ở hội đồng chấm thi trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chấm thi môn Toán cũng cho thấy, điểm từ 5,5 đến 8 nhiều.

Khó tuyển, phải dùng đến tiêu chí phụ

Điểm thi năm nay cao hơn năm trước do đề thi dễ hơn là nhận định của nhiều trường ĐH. Thực hư của vấn đề thế nào phải chờ đến khi có dữ liệu trên toàn quốc. ĐH Kinh tế quốc dân thường có điểm thi của thí sinh chủ yếu rơi vào khoảng 6-7,5. Một cán bộ tuyển sinh của trường này cho biết, nếu chỉ nâng lên hay hạ điểm chuẩn xuống 0,25 điểm là mỗi ngành có thể có thêm hàng trăm thí sinh, vì vậy sẽ rất khó tuyển nếu điểm năm nay cao. Ngay từ lúc này, mới chấm được một số lượng không nhiều bài thi, ĐH Kinh tế quốc dân đã phải  nghĩ ra tiêu chí phụ khi xét tuyển. Nếu không, như lời một cán bộ tuyển sinh, thì sẽ rất khó xét tuyển. Đặc biệt lo ngại khó tuyển trong tình hình điểm cao, trường này còn có tới 2 tiêu chí phụ, và cả một  tiêu chí… phụ của phụ. Cụ thể: trong trường hợp tại mức điểm xét tuyển nhất định, số lượng thí sinh trúng tuyển nhiều hơn chỉ tiêu và nếu lấy tăng lên 0,25 điểm thì số thí sinh trúng tuyển lại thiếu so với chỉ tiêu, trường sử dụng tiêu chí xét tuyển phụ căn cứ vào điểm thi môn Toán, môn tiếng Anh. Tiêu chí phụ số 2 quy định: Sau khi sử dụng tiêu chí phụ 1, số thí sinh trúng tuyển vẫn còn cao hơn so với chỉ tiêu quá 5% (nếu chỉ tiêu > 200) hoặc 8% nếu chỉ tiêu <200, sẽ sử dụng tiêu chí phụ 2 là điểm thi các môn Toán, Hóa, tiếng Anh… tùy theo từng ngành. Tiêu chí phụ của phụ là: Nếu sau khi đã sử dụng tiêu chí phụ 2, số thí sinh trúng tuyển vào ngành vẫn cao hơn quá 5%  so với chỉ tiêu, thì điểm chuẩn sẽ lấy tăng thêm 0,25 điểm.

Sửa đổi thông tin tuyển sinh

Trường ĐHKTQD thông báo sửa đổi, bổ sung một số nội dung thông tin tuyển sinh năm 2015. Theo đó, trong xét tuyển đợt 1, thí sinh được đăng ký tối đa 4 ngành, xếp thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Các nguyện vọng (từ 1 đến 4) của thí sinh có giá trị xét tuyển như nhau. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp nguyện vọng sau.

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*