Điểm chuẩn các trường tốp đầu sẽ không giảm

Mặc dù có một cuộc tháo chạy của thí sinh điểm cao, nhưng các trường tốp đầu đều cho rằng trong những ngày còn lại điểm dự kiến trúng tuyển sẽ không biến động nhiều và vẫn còn khả năng tăng nhẹ.

Sáng ngày 18/8, vẫn có khá nhiều thí sinh đến Trường ĐH Y Hà Nội để nộp hoặc rút hồ sơ. Khá nhiều thí sinh rút hồ sơ có mức điểm 27,5 – mức mấp mé “nguy hiểm” của ngành Bác sĩ đa khoa.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Trường phòng Đào tạo nhà trường cho biết, từ ngày mùng 10/8 đã bắt đầu có thí sinh sau khi chắc chắn rằng không trúng tuyển vào trường tới rút hồ sơ. Tính tới sáng ngày 18/8, đã có 270 trường hợp rút hồ sơ, số hồ sơ còn lại vẫn vượt chỉ tiêu tuyển sinh của trường.

Điểm chuẩn các trường tốp đầu sẽ không giảm

Những thí sinh 27,5 điểm phải rời khỏi Trường ĐH Y Hà Nội trong tiếc nuối

Một số thí sinh ở diện mấp mé của ngành Bác sĩ đa khoa vẫn đang cân nhắc việc rút hay “đánh liều” để hồ sơ tới phút chót, khi vẫn còn những thí sinh trên 28 điểm “ủ” hồ sơ tới những ngày cuối mới nộp.

“Vẫn có những thí sinh 28 điểm từ Trường ĐH Y Thái Nguyên chuyển về. Sáng nay có cả thí sinh 29,5 điểm tới nộp hồ sơ. Những thí sinh 27,75 điểm đảm bảo đã trúng tuyển sẽ không rút hồ sơ. Vì vậy, khả năng giảm điểm của ngành Bác sĩ đa khoa là không có” – Phó Trưởng phòng Đào tạo nhà trường thông tin.

Thậm chí, ở ngành này, những tiêu chí phụ để xét tuyển còn có khả năng tăng thêm. Nếu như dự kiến điểm trúng tuyển ngày 16/8 của ngành Bác sĩ đa khoa ở mức 27,5 điểm với tiêu chí phụ là môn Toán từ 9 điểm trở lên, thì sang tới ngày 17/8 đã thêm tiêu chí môn Sinh từ 8.75 điểm trở lên. Điều này đã khiến cho không ít thí sinh choáng váng và ngày 18/7 đã tới trường rút hồ sơ để “chạy” sang trường khác hoặc điều chỉnh nguyện vọng.

Đối với các ngành khác của trường, tình hình điểm trúng tuyển cũng… khó lường. Một số ngành giảm 0,25 điểm như Y tế công cộng, Y tế dự phòng, Xét nghiệm y học. Nhưng cũng có ngành điểm trúng tuyển dự kiến lại tăng lên khá nhiều chỉ sau một ngày, như ngành Y học cổ truyền tăng 0,25 điểm, ngành dinh dưỡng tăng 0,75 điểm.

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, tổng số hồ sơ trường nhận vào là khoảng 10.500 bộ, tới thời điểm này còn gần 7.100 bộ, như vậy đã có gần 3.500 thí sinh rút hồ sơ. “Số lượng thí sinh tới rút hồ sơ sáng ngày 18/8 đã giảm khá nhiều so với ngày 17/8. Chỉ tới 10h sáng chúng tôi đã trả xong hồ sơ cho thí sinh”.

Mặc dù vậy, với số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển đang tiếp tục đổ về, điểm trúng tuyển của trường này vẫn có biến động. Trong 3 ngày liên tiếp gần đây, hầu hết điểm xét tuyển dự kiến của các ngành trong trường đều tăng nhẹ.

Tính tới hết ngày 17/8, hơn 1.800 thí sinh đã rút hồ sơ khỏi Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Điểm xét tuyển dự kiến của trường này cũng có sự tăng – giảm từng ngày từ 0,25 – 0,5 điểm ở một vài ngành.

Từ vài ngày nay, Trường ĐH Ngoại thương cũng dự kiến mức điểm an toàn nộp hồ sơ ĐKXT vào lúc 17h hàng ngày. Tới chiều tối ngày 17/8, ngưỡng điểm an toàn thấp nhất của trường này tối thiểu là 24.75 điểm, trừ ngành Kinh tế với mã tổ hợp xét tuyển là D02 có mức 23,75 điểm.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận được khoảng 10 nghìn hồ sơ ĐKXT. Ngày 17/8, trường này đã đưa ra mức điểm xét tuyển tạm thời căn cứ vào dữ liệu hồ sơ tính đến ngày 16/8. Theo đó, ngành có điểm dự kiến xét tuyển thấp nhất là 15,5 điểm và ngành có điểm xét tuyển cao nhất là 24,5 điểm.

Trường ĐH Luật Hà Nội có 2.395 chỉ tiêu, tính tới chiều ngày 17/8 đã có gần 3.700 hồ sơ nộp vào trường, và có gần 200 trường hợp rút hồ sơ.

Cuộc cạnh tranh giữa các thí sinh ở khối C ở trường này vô cùng gay gắt. Ở ngành Luật có 514 chỉ tiêu khối C, ngành Luật Kinh tế có 120 chỉ tiêu khối C, thì theo số liệu cập nhật của trường tới ngày 16/8 số lượng thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT khối C vào ngành Luật có điểm từ 26 trở lên là 635 em, số lượng this sinh từ 26 điểm trở lên ĐKXT vào ngành Luật Kinh tế là 479 em.

Phân tích về khả năng tăng – giảm điểm trúng tuyển ở giai đoạn cuối đợt 1, ông Nguyễn Phong Điền cho rằng với những ngành “hot” mức điểm này vẫn có xu hướng tăng dù sẽ không quá nhiều. “Riêng đối với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngành Công nghệ thông tin bây giờ đang ở mức 8,7 điểm nhưng sẽ có khả năng chạm mốc 9 điểm. Còn những ngành khác không thuộc diện được thí sinh quá chú ý sẽ không có biến động nhiều”.

Sở dĩ, những ngành “hot” vẫn tăng điểm vì tới những ngày cuối vẫn sẽ có thí sinh điểm cao tới nộp hồ sơ ĐKXT. Ví dụ như trong buổi sáng ngày 17/8, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận 500 bộ hồ sơ ĐKXT mới thì đã có tới 200 hồ sơ từ 26 điểm trở lên. Tuy nhiên, con số này sang tới ngày 18/8 đã giảm hẳn.

Khi nào các trường đại học chính thức công bố điểm chuẩn?

Thời điểm nào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trên cả nước chính thức công bố điểm chuẩn đỗ vào trường là điều đang được nhiều thí sinh quan tâm.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), điểm chuẩn nguyện vọng 1 (NV1) năm 2015 chính thức của các trường ĐH được công bố trước ngày 25/8. Như vậy dự kiến từ tối ngày 20/8, một số trường sẽ bắt đầu công bố điểm chuẩn chính thức.

Vì theo quy định của Bộ GD&ĐT thì các trường ĐH, CĐ sẽ nhận hồ sơ xét tuyển NV1 đến 17h ngày 20/8 sẽ chốt hồ sơ, dựa vào dữ liệu đã cập nhật trước đó các trường sẽ tổng hợp và công bố điểm chuẩn trúng tuyển sớm đến các thí sinh. Tuy nhiên, do một số thí sinh nộp hồ sơ qua đường bưu điện các trường sẽ nhận được hồ sơ chậm hơn, nên đa số từ ngày 22/8 các trường sẽ công bố điểm chuẩn năm 2015 chính thức.

Tính đến sáng 18/8, nhiều trường ĐH đã công bố điểm chuẩn dự kiến. Trong những ngày cuối của đợt xét tuyển NV1 này, điểm chuẩn dự kiến của các trường có xu hướng tăng dần, dựa vào mức điểm chuẩn dự kiến cũng như danh sách thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường, nhiều thí sinh lo lắng không đủ điểm đỗ phải rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng vào trường có mức điểm thấp hơn, có khả năng đỗ cao hơn.

Với thời hạn 2 ngày còn lại, thí sinh sẽ khá căng thẳng trong việc theo dõi thông tin mức điểm an toàn vì vẫn còn những trường hợp chưa nộp hồ sơ vào trường nào để chờ xác định được mức điểm an toàn nhất mới nộp hồ sơ. Khi đó, khả năng biến động vẫn tiếp tục xảy ra cho đến sau 17h ngày 20/8.

Trường tốp trên thí sinh đua nhau rút hồ sơ

Sau hơn 2 tuần nộp hồ sơ, nhiều thí sinh điểm cao ‘tháo chạy’ khỏi trường tốp trên khi thấy mình rời xa ngưỡng điểm an toàn. Trong khi đó nhiều trường tốp giữa lượng hồ sơ chững lại.
Nhiều ngày nay, từ sáng sớm hàng trăm thí sinh đã có mặt tại phòng đào tạo trường Đại học Y dược TP HCM để xin rút hoặc chuyển hồ sơ sang ngành khác, trong đó có nhiều em đạt trên 27 điểm.

Tỏ ra khá buồn, thí sinh Lê Anh Thư cho biết rất thích học ở trường này nhưng vẫn quyết định rút hồ sơ khỏi ngành Y đa khoa vì cảm thấy không yên tâm với vị trí hiện tại. Thư được 27,75 điểm nằm trong ngưỡng điểm xét tuyển mà trường đưa ra nhưng hiện đã có 352 thí sinh có mức điểm 27,75 trở lên trong khi chỉ tiêu của ngành lại 349.

“Em sợ mấy ngày cuối có thêm thí sinh điểm cao nộp vào thì rút không kịp nên chiều hôm qua đã bắt xe từ Phú Yên vào đây rút hồ sơ để nộp vào ngành Y đa khoa của Đại học Y dược Huế”, Thư nói và cho biết với mức điểm của mình sẽ an toàn hơn nếu nộp ở Huế.

Tương tự, nhiều thí sinh có mức điểm 27,5 hay 27 đồng loạt rút hồ sơ khi trường công bố điểm trúng tuyển tạm thời. Thí sinh Bùi Thanh Tâm cho biết sau khi xem điểm xét tuyển tạm thời của trường đã vội vã bắt xe từ Đăk Lăk xuống trường để rút hồ sơ. Tâm được 27,5 điểm và dự định sẽ nộp vào Y đa khoa của Đại học Y dược Cần Thơ.

Theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng đào tạo của trường thì những ngày gần đây rất đông thí sinh tới rút hồ sơ sau khi trường công bố điểm xét tuyển tạm thời, trong đó nhiều em điểm rất cao. 10 thí sinh tới trường thì 9 em tới để rút. Riêng buổi sáng 17/8 đã có khoảng 200-300 thí sinh tới rút hồ sơ.

“Chúng tôi khuyến khích thí sinh không có khả năng đậu nên rút để nộp sang trường khác, nhất là những ngành có điểm chuẩn cao. Khi lấy đủ chỉ tiêu, nếu có nhiều em bằng điểm trường sẽ ưu tiên chọn người có điểm môn Sinh cao”, thầy Khôi chia sẻ.

Tại Đại học Bách khoa TP HCM thí sinh và phụ huynh ngồi la liệt trước cửa phòng đào tạo để chờ tới lượt rút hồ sơ. Lượng thí sinh rút quá đông nên trường phải bố trí ghế ngồi và cấp số thứ tự nhằm tránh tình trạng chen lấn.

Không khỏi tiếc nuối khi phải rút khỏi trường, thí sinh Hoàng Anh Châu cho biết trước đó đã nộp hồ sơ vào ngành Cơ khí – cơ điện tử, nhưng hiện điểm trúng tuyển vào ngành này đã lên tới 24,25, tăng 3,25 điểm so với năm trước. “Em sẽ nộp hồ sơ sang Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM vì ở đây đã hết cơ hội”, Châu tâm sự.

Còn ông Nguyễn Văn Tuấn (quê ở Vĩnh Long) cho biết con trai được 24 điểm và đã nộp vào ngành Hóa – thực phẩm – sinh học. Sáng nay hai cha con ông bắt xe lên trường rút hồ sơ vì mức điểm trường đưa ra cho ngành này đã lên tới 24,25. “Khi biết được điểm thi con trai tôi đã rất mừng, nó đã xem điểm chuẩn năm trước ngành này chỉ lấy 21 nên mới tự tin nộp hồ sơ vào. Không ngờ điểm năm nay tăng mạnh như vậy”, ông Châu nói.

Theo TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng đào tạo Đại học Bách khoa TP HCM, thí sinh nên căn cứ vào điểm xét tuyển tạm thời mà trường đưa ra để quyết định nộp hay rút hồ sơ. “Không nên bất chấp vào Bách khoa cho bằng được mà nên chọn ngành mình thích và có năng khiếu. Các em có thể chọn học ngành mình thích ở trường khác chứ không nhất thiết phải là Bách khoa”, tiến sĩ Thông tư vấn.

ThS Lê Ngọc Tứ, Trưởng phòng đào tạo Đại học Sư phạm TP HCM, cho biết nhiều ngày gần đây lượng thí sinh rút hồ sơ tăng mạnh. Bình quân mỗi ngày có gần 500 hồ sơ được rút ra, ngày cao điểm có thể lên tới 1.000. Năm nay trường chỉ có 3.300 chỉ tiêu nhưng đã nhận được hơn 9.000 hồ sơ, hiện cũng đã có trên 3.000 em xin rút.

Theo ông Tứ thì hiện điểm điểm xét tuyển sinh tạm thời vào nhiều ngành đã tăng 2-3 điểm so với năm trước, trong đó ngành Sư phạm Toán đang có mức điểm cao nhất là 34 (đã nhân hệ số 2 môn Toán), bình quân mỗi môn phải đạt từ 8,5 điểm mới có cơ hội trúng tuyển. 5 ngành khác như Sư phạm Tiếng Anh, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Vật lý, Ngữ văn, và Địa lý cũng có mức đầu vào cao, mỗi môn phải đạt từ 8 điểm trở lên mới đậu.

Trong khi đó ở nhiều trường khác lượng hồ sơ nộp vào và rút ra ngang nhau nên tổng số hồ sơ hầu như không đổi. Theo TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng đào tạo Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thì những ngày cuối có sự dịch chuyển thí sinh giữa các ngành. Nhiều thí sinh ở ngành tốp trên xin chuyển nguyện vọng sang ngành có điểm chuẩn thấp hơn. Mặc dù lượng hồ sơ rút tăng trong những ngày gần đây nhưng lượng hồ sơ nộp vào vẫn nhiều.

Cũng diễn ra tình trạng tương tự, TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM cho biết mỗi ngày có khoảng 200 hồ sơ rút ra thì cũng có chừng đấy hồ sơ nộp vào. “Thí sinh điểm thấp rút ra, trong khi đó nhiều thí sinh điểm cao sau nhiều ngày căn điểm giờ mới nộp vào. Do vậy những ngày cuối phổ điểm hồ sơ có thể tiếp tục tăng”, vị hiệu trưởng chia sẻ. Dự kiến sáng 23/8 trường sẽ công bố điểm trúng tuyển của từng ngành.

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh 2015 Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM, cũng cho biết trung bình mỗi ngày có khoảng 300 hồ sơ nộp vào và 450 hồ sơ rút ra. Lượng rút và nộp chênh nhau không nhiều nên việc xét tuyển không có nhiều biến động như những ngày đầu.

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*