Đại hội toàn trường của ĐH Hoa Sen náo loạn

Náo loạn tại đại hội toàn trường của ĐH Hoa Sen
Đại hội toàn trường của ĐH Hoa Sen vừa bắt đầu, ban tổ chức đang giới thiệu chương trình thì một số cổ đông đã đứng dậy giật micro, giành hội trường để phản đối đại hội.
Sáng 31/1, ĐH Hoa Sen tổ chức đại hội toàn trường lần đầu tiên với sự tham dự của các thành viên góp vốn, thành viên ban hội đồng quản trị và các cán bộ, giảng viên trong trường. Ngoài việc tổng kết đánh giá năm học 2013-2014, đại hội được tổ chức nhằm thảo luận về quy chế tổ chức hoạt động và quy chế tài chính của trường.

1-1-8720-1422694949

Mở đầu đại hội, khi ban tổ chức đang giới thiệu về chương trình thì một số cổ đông đã giơ phiếu biểu quyết đòi được có ý kiến. Tuy nhiên ban tổ chức tiếp tục giới thiệu chương trình vì cho rằng cổ đông sẽ được phát biểu trong phần thảo luận. Ngay lúc đó, ông Nguyễn Trung Đức và bà Nguyễn Thị Hòa đã lên sân khấu chính giật micro để được phát biểu. Thấy náo loạn, ban tổ chức đã cho gọi bảo vệ mời ông Đức ra ngoài.
Một cổ đông bị bảo vệ mời ra ngoài khi chạy lên giành micro phát biểu ý kiến mặc dù chưa tới phần thảo luận. Ảnh; Nguyễn Loan
Bà Nguyễn Thị Hòa cho rằng việc hội đồng quản trị (viết tắt là HĐQT) ĐH Hoa Sen đứng ra tổ chức đại hội toàn trường là không đúng quy định. Theo bà, trường muốn phát triển theo cơ chế “không vì lợi nhuận” căn cứ vào Điều lệ đại học (vừa có hiệu lực từ ngày 30/1/2015) thì cần phải làm hồ sơ, sau khi được Bộ GD&ĐT thẩm định và được Chính phủ công nhận thì mới được tiến hành đại hội.

HĐQT của trường ghi nhận ý kiến này và tiếp tục tiến hành đại hội. Tuy nhiên, khi HĐQT lên bàn chủ tọa để bắt đầu làm việc thì bà Nguyễn Thị Hòa lại giơ phiếu biểu quyết. Trước tình hình đó, bà Bùi Trân Phượng, Phó chủ tịch HĐQT đồng thời là hiệu trưởng nhà trường cho rằng các đại biểu sẽ được hỏi và trả lời trong phần thảo luận, đồng thời yêu cầu ban tổ chức tiếp tục đại hội.

Tiếp đó, luật sư Lương Văn Lý, đại diện pháp lý của trường, cho rằng ĐH Hoa Sen đã xác định con đường hoạt động không vì lợi nhuận ngay từ khi Chính phủ có chủ trương cho phép và đã được thực hiện nhiều năm nay nên việc tổ chức đại hội toàn trường là hoàn toàn hợp lý. Sau đó các đại biểu đã được HĐQT mời góp ý về dự thảo quy chế tổ chức hoạt động và quy chế tài chính của trường.

Ông Phong, một cổ đông của trường cho rằng việc trường có đi theo cơ chế phi lợi nhuận hay không cần được các cấp có thẩm quyền quyết định. Trước khi trình hồ sơ trường phải tổ chức đại hội cổ đông và được 75% cổ đông thông qua thì mới được công nhận.

“Tôi cứ nghĩ ĐH Hoa Sen đã hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận từ lâu lắm rồi và chính vì quy chế này tôi mới quyết định đầu tư vào đây. Cũng chính vì hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận trường mới được các cơ quan nhà nước, sinh viên, phụ huynh và xã hội ủng hộ. Từ sự ủng hộ này trường mới có lợi nhuận lâu dài”, cổ đông Nguyễn Công Đức phát biểu.
Đại biểu Dương Quốc Tụy, người gắn bó lâu năm với ĐH Hoa Sen cho rằng đừng vì lợi nhuận mà ảnh hưởng tới sự tồn vong của trường. Ảnh: Nguyễn Loan
Cũng có mặt trong buổi đại hội, ông Trương Quốc Tụy, một trong những người gắn bó với ĐH Hoa Sen từ ngày thành lập, cho biết rất buồn phiền trước việc nội bộ trường bất đồng quan điểm, chia bè kéo cánh. “Vì sự tồn vong của ĐH Hoa Sen, xin các cổ đông đừng vì đồng tiền mà làm rối mọi chuyện, làm mất uy tín của trường. Đó là tội ác”, ông Tụy run rẩy nói trong tiếng vỗ tay hưởng ứng của hầu hết đại biểu trong hội trường.

Một đại biểu khác cũng cho rằng sinh viên mới chính là người góp vốn nhiều nhất cho sự hoạt động của trường, do vậy hãy lấy sinh viên ra làm mục tiêu cho sự hoạt động và cần phải phát huy được vai trò của cựu sinh viên chứ không nên chăm chăm nhìn vào lợi nhuận, vì đây là môi trường giáo dục.

Trong khi đó một số cổ đông khác vẫn cho rằng việc tổ chức đại hội lần này là bất hợp pháp, một số bỏ về ngay khi đại hội mới bắt đầu.

Theo bà Bùi Trân Phượng, việc tổ chức đại hội toàn trường lần này chỉ nhằm lấy ý kiến của toàn thể đại biểu về việc góp ý dự thảo quy chế hoạt động của trường để chuẩn bị hồ sơ trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định và công nhận ĐH Hoa Sen là trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Trước đó ngày 25/1 HĐQT của trường đã triệu tập cổ đông tiến hành đại hội cổ đông thường niên, tuy nhiên do một số cổ đông không tới, không đủ thành phần tham dự nên không thể tổ chức đại hội.

Chưa tiến hành được đại hội cổ đông nên theo bà Phượng việc chia cổ tức năm 2014 chưa lấy được ý kiến cổ đông, vì thế trường sẽ chia cổ tức theo luật định, nghĩa là không quá lãi suất trần của trái phiếu Chính phủ ban hành.

Mâu thuẫn nội bộ của ĐH Hoa Sen bắt đầu bùng nổ tại đại hội thường niên năm 2013, những cuộc tranh luận về quy chế tổ chức và hoạt động của trường đã xảy ra khi Luật giáo dục mới được áp dụng. Theo luật này nếu trường ĐH tư thục hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận thì việc chia cổ tức cho các cổ đông không được vượt quá lãi suất trái phiếu do Chính phủ ban hành. Tại đại hội này, ĐH Hoa Sen đã quyết định chia cổ tức lên tới 20%, đây là mức chia lớn nhất từ trước tới nay và vượt xa mức chia so với những năm trước đó.

Tiếp đó tới tháng 8/2014, nhóm 30% cổ đông của ĐH Hoa Sen đứng ra tổ chức đại hội cổ đông bất thường. Tại đại hội này ngoài 2 thành viên đứng ra tổ chức được tại vị thì 5 thành viên còn lại của HĐQT bị bãi nhiệm. Tuy nhiên, cho đến nay đại hội cổ đông bất thường này vẫn chưa được UBND TP HCM công nhận về tính pháp lý.

 

>>> Tuyển sinh 2015 – Dừng tuyển sinh hơn 680 ngành cao đẳng

>>> Tuyển sinh 2015 – Hàng loạt sai phạm về đào tạo của trường Đại học y dược Hải Phòng

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*