Chuẩn đầu vào trường top trên sẽ tăng so với 2014

Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), ông Trần Văn Nghĩa khuyến cáo các thí sinh cần cân nhắc, tính toán kỹ khi lựa chọn nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ.

Điểm chuẩn đại học năm 2015 các trường Top sẽ tăng cao
Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) Trần Văn Nghĩa

Quy chế tuyển sinh kỳ thi THPT Quốc gia 2015 bắt buộc các em thí sinh phải đến tận trường ĐH, CĐ để rút hồ sơ nếu nguyện vọng trước đó của các em không đủ tiêu chuẩn vào trường. Như vậy những thí sinh ở vùng sâu vùng xa, thường trú miền Nam đăng ký trường ở miền Trung, miền Bắc va ngược lại sẽ rất vất vả tốn kém để đến trường ĐH, CĐ đã đăng ký xét tuyển để rút hồ sơ.Như vậy Bộ có làm khó thí sinh?

Ông Trần Văn Nghĩa: Năm nay quy chế tuyển sinh đã tạo điều kiện tối đa nhất cho các em. Phải so sánh với năm ngoái mới thấy những thuận lợi của việc xét tuyển sinh năm nay. Nếu như mọi năm các em phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào trường từ khi chưa làm bài thi, chưa biết điểm thi.

Nhiều thí sinh đã trượt oan vì nộp đơn vào ngành có điểm tuyển quá cao trong khi điểm thi của mình hoàn toàn đủ điều kiện vào các ngành học khác. Hoặc có những thí sinh để chắc ăn cứ đăng ký vào nhóm ngành thấp, vừa vừa. Đến khi biết điểm thi của mình cao thì lại thấy tiếc.

Cái khó của phương thức xét tuyển cũ là các em phải chọn trường khi chưa biết điểm thi, đến khi biết điểm thi rồi lại không được thay đổi nữa.

Vì thế có thể nói phương thức xét tuyển năm nay đã tạo thuận lợi tối đa cho các em. Năm nay các em vẫn phải chọn, nhưng được chọn khi đã có điểm thi, và có thể thay rút hồ sơ thay đổi nguyện vọng khi đã biết điểm thi của mình không đủ để xét tuyển đầu vào. Đặc biệt, thay vì chỉ có tối đa 2 nguyện vọng (nếu các em thi 2 khối) thì nay các em có tối đa 4 nguyện vọng trong mỗi đợt xét tuyển. Do đó cơ hội vào ĐH, CĐ của các em nhiều hơn.

Tuy nhiên, dù cho phép mỗi em có 4 nguyện vọng, song Bộ không khuyến khích các em “nhắm mắt, nộp bừa” hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ rồi lại rút ra, nộp lại thoải mái.

Có thể nói Bộ hết sức tạo điều kiện cho các em. Nhưng chính bản thân các em phải có trách nhiệm với chính lựa chọn của mình. Cân nhắc, tính toán kỹ trước khi quyết định.

Tất nhiên nếu trượt nguyện vọng 1, các em vẫn còn 3 nguyện vọng dự phòng, đó là cơ hội thứ hai. Nhưng đừng lạm dụng cơ hội rút ấy, phải tính toán làm sao một cú ăn ngay, không phải rút. Càng những em không tính toán kỹ, không biết mình muốn gì ào ào rút ra rút vào cuối cùng sẽ mất đi cơ hội tốt nhất

Vậy theo ông, các em cần tính toán những tiêu chí gì để quyết định lựa chọn nguyện vọng đúng đắn hợp lý nhất?

Ông Trần Văn Nghĩa: Tôi nghĩ rằng năm nay khoa Bác sĩ đa khoa của ĐH Y Hà Nội sẽ phải từ 28,5 điểm hoặc khoa Kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại thương HN không dưới 26 điểm, trong khi năm ngoái chỉ 24-25 điểm.

Do đó, nếu thí sinh muốn vào khoa Kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại Thương, ít nhất anh phải được 27, 28 điểm thì mới chắc ăn. Còn nếu chỉ bằng hoặc hơn 1-2 điểm so với năm 2014 thì không chắc chắn.

Có những em chờ đến phút chót mới nộp hồ sơ xét tuyển, chờ xem những ngành nào ít người nộp vào mới nộp, vì nghĩ rằng nhiều người thấy điểm thi năm nay cao không dám nộp nên có thể điểm đầu vào sẽ không quá cao. Đấy là cách tính toán đầy rủi ro. Anh nghĩ thế thì người khác cũng nghĩ thế. Những trường hàng đầu, nhóm ngành hot không bao giờ thấp. Đừng hy vọng trông chờ điều đó.

Có ý kiến nói rằng với mức độ khó-dễ của đề thi năm nay, qua mấy ngày chấm thi và theo đánh giá sơ bộ ban đầu về phổ điểm, các trường top trên điểm chuẩn sẽ càng cao, trường top dưới chuẩn đầu vào lại càng thấp. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Trần Văn Nghĩa: Chắc chắn điểm chuẩn của những trường top trên, có thương hiệu lấy điểm xét tuyển đầu vào cao sẽ còn cao hơn, và những trường top dưới, chuẩn đầu vào thấp sẽ còn thấp hơn mọi năm.

Có 2 lý do. Thứ nhất, đề thi THPT quốc gia năm nay khó hơn đề thi tốt nghiệp THPT và dễ hơn đề thi ĐH, CĐ mọi năm. Do đó điểm thi dự kiến sẽ cao hơn từ 1-1,5 điểm so với 2014. Đến thời điểm này mặc dù chưa chấm hết các bài thi, nhưng đánh giá sơ bộ ban đầu của các cụm thi là điểm thi sẽ cao hơn từ 1 điểm trở lên.

Thứ hai khiến chuẩn đầu vào của một số trường top trên sẽ còn cao hơn năm trước đó là do các em đã biết điểm thi của mình. Do đó những em đạt điểm cao sẽ tự tin nộp vào các trường, khoa đắt giá.

Theo đánh giá của một số cụm thi như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội… năm nay các trường ở top giữa sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn do phổ điểm rải đều, số lượng bài thi từ 5-7 điểm chiếm đa số. Đợt xét tuyển nguyện vọng 1 sẽ chốt ngay khoảng 70-80%. Phần còn lại dành cho trường dưới “vét” nốt. Vì thế, ngưỡng chuẩn đầu vào các trường top dưới năm nay sẽ còn thấp hơn mọi năm. Thậm chí nhiều trường sẽ vẫn không đủ nguồn tuyển vì có nhiều thí sinh thà lựa chọn thi lại, đi học nghề thay vì học tại những trường mà họ cho là kém chất lượng, “vơ bèo vạt tép”.

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*