Những con đường để trở thành Bộ Đội

Trở thành người lính mang trên vai trọng trách mà Tổ quốc giao phó quả là một niềm tự hào nhưng cũng đầy thách thức. Nếu bạn thật sự đam mê với nghề nghiệp này, bạn có thể chọn lấy cho mình một trong hai con đường.

Vì sao nghề Bộ đội lại hâp dẫn bạn?

index

  • Đi nghĩa vụ quân sự rồi đi học trở thành những sĩ quan hoặc quân nhân chuyên nghiệp phục vụ lâu dài trong quân đội

Đã có rất nhiều người trưởng thành, đứng trong hàng ngũ của quân đội theo con đường này. Trước tiên, bạn sẽ phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo thời gian Luật nghĩa vụ quân sự quy định, rồi tham gia đăng ký lớp thi tuyển để trở thành sĩ quan hoặc quân nhân chuyên nghiệp. Ưu thế của bạn lúc này là bạn đã được đào tạo trong một thời gian, đủ để thích nghi với môi trường làm việc của quân đội. Bạn có thể tham gia thi vào một số lĩnh vực như đặc công, trinh sát và tất nhiên, bạn sẽ nhận được một số ưu tiên nhất định khi đăng ký thi.

Tuy nhiên, đây lại là con đường khá gian truân, đòi hỏi bạn phải có nghị lực, tính bền bỉ cao. Bạn vừa phải tự rèn luyện mình trong môi trường nghiêm khắc, lại phải tự học hỏi, ôn tập các kiến thức phổ thông, các kiến thức mới mà mình được học trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. Thời gian không phải là dài, nhưng cũng không phải là ngắn cho một sự cố gắng, cố gắng hết mình. Quả là vất vả phải không bạn? Nhưng sẽ thật hạnh phúc khi đạt được mơ ước của mình bằng chính sự nỗ lực và quyết tâm của bản thân.

  • Học sinh phổ thông thi thẳng vào các trường quân sự

Khi còn là một học sinh, hẳn ai trong chúng ta cũng ấp ủ một nghề nghiệp trong tương lai. Hình ảnh người cha, người chú của thế hệ trước “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hay người anh tháo vát, đĩnh đạc trong thời bình đã nhóm lên trong bạn mong muốn khẳng định mình. Tại sao bạn không thử sức vào một trường đại học, cao đẳng… trong quân đội để trở thành những người như họ?

Tất nhiên, để thi vào các trường này, bạn phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định như: Sức khỏe tốt, cân nặng hơn 50kg, cao từ 1,6m trở lên, lý lịch trong sạch.

Nếu bạn bị cận thị, sẽ không vấn đề gì khi đăng ký thi vào các trường kỹ thuật hay ngoại ngữ. Nhưng các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy lại rất coi trọng vấn đề này. Bạn thấy đấy, một chỉ huy lúc nào cũng kè kè đôi kính thì thật khó có thể cùng với chiến sĩ của mình đi giữa bụi cát mù mịt, di chuyển thần tốc, vật lộn với gió, mưa, và điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trước khi bắt đầu học tập chính thức trong trường, bạn sẽ được huấn luyện một năm về quân sự.

Đây là khoảng thời gian khá vất vả nhất là với những học sinh vừa mới rời ghế nhà trường, nhưng lại là bước khởi đầu quan trọng để bạn trở thành người “nhà binh”.

Bạn sẽ phải bỏ những thói quen như “thức khuya, dậy muộn” hay “đói lúc nào, ăn lúc ấy” vì tất cả những hoạt động thường nhật đó giờ đây bạn sẽ làm theo giờ giấc quy định. Nếu bạn đã quen với cách sống tự do, thì những bắt buộc này khiến bạn khó chịu nhưng bạn đang rèn luyện mình. Đây chỉ là những khó khăn ban đầu bạn phải vượt qua, thích nghi để trở thành một người chiến sĩ thật sự.

Khác với các trường đại học bên ngoài, môi trường học tập và rèn luyện trong các trường quân đội rất nghiêm túc. Bạn sẽ phải học tập trung, tức là học tập và sinh hoạt tại trường. Ở đây, bạn được đảm bảo từ nơi ăn, chốn ngủ đến các thiết bị học tập tốt.

Kỷ luật học tập và sinh hoạt thật nghiêm khắc: thức dậy lúc 5 giờ sáng, tập thể dục, ăn trưa, ăn tối quy định tùy theo ca học, 21 giờ 30 tắt đèn đi ngủ, chỉ được đi ra ngoài (đi tranh thủ) khi được phép của cấp trên. Kỷ luật nghiêm ngặt đó đảm bảo cho bạn một nếp sống lành mạnh, phong cách đĩnh đạc.

Nhưng sẽ vui sướng biết bao khi trở về thăm nhà, cha mẹ bạn ngợi khen bạn đã cao lớn hơn, trở nên chững chạc, đàng hoàng, các em bạn nhìn anh trai ngưỡng mộ và bạn trở thành niềm tự hào của cả gia đình.

  • Một số trường đào tạo trong quân đội

Trải qua một quá trình hình thành và phát triển, hệ thống nhà trường quân đội đã trở nên vững mạnh, ổn định, có quy mô, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng miền và ngành nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tổ chức quân đội và khoa học giáo dục.

Bạn có thể lựa chọn bất kỳ một trường quân sự nào phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của mình. Đương nhiên, bạn cũng phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về đạo đức, thể lực và trí tuệ mà các trường đưa ra. Bạn có thể tham gia thi tuyển vào một trong số các trường đại học quân sự đào tạo riêng các chuyên ngành như:

  • Trường Sĩ quan lục quân: đào tạo sĩ quan chỉ huy phân đội binh chủng hợp thành (trình độ đại học) và huấn luyện một số nội dung quân sự cơ bản của sĩ quan cấp phân đội cho học viên các học viện và trường sĩ quan khác.

  • Học viện Chính trị quân sự: đào tạo sĩ quan chính trị, đào tạo cán bộ chính trị trung, sư đoàn với các chuyên ngành: Triết học Mác-Lênin, Chủ nghĩa cộng sản khoa học, Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, Tâm lý học quân sự, Công tác Đảng, Công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

  • Học viện Hậu cần: đào tạo sĩ quan hậu cần cấp phân đội và cấp cao hơn có trình độ đại học với các ngành: Chỉ huy tham mưu hậu cần, Quân nhu, Vận tải, Xăng dầu, Xây dựng-Quản lý nhà đất và tài chính.

  • Học viện Kỹ thuật quân sự: đào tạo kỹ sư quân sự gồm 5 ngành: Cơ khí, Xây dựng, Tin học, Công nghệ hóa học, Điện – Điện tử, với các chuyên ngành: Vũ khí, Đạn, Công nghệ chế tạo máy, Gia công áp lực, Công nghệ chế tạo vũ khí, Công nghệ chế tạo đạn, Khí tài, Xe máy công binh, Xe quân sự, Máy xây dựng, Xe ô tô, Máy tàu, Cơ điện tử, Công nghệ vật liệu, Đúc nhiệt luyện v.v…

Học viện Kỹ thuật quân sự cũng đào tạo kỹ sư phục vụ công nghiệp hóa theo 4 chuyên ngành sau: Cơ khí, Xây dựng, Tin học, Điện – Điện tử.

  • Học viện Khoa học quân sự: đào tạo cán bộ khoa học quân sự, sĩ quan khoa học quân sự các ngành tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung… và tiếng Việt cho học viên quân sự nước ngoài.

Học viện Khoa học quân sự cũng đào tạo bậc cao đẳng các ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Lào, tiếng Khơme.

  • Học viện Quân y: đào tạo bác sĩ đa khoa, bác sĩ đa khoa cử tuyển, bác sĩ tuyến cơ sở cho ngành y tế quân đội và dược sĩ đại học cho ngành quân y.

Đào tạo trung học: đào tạo nhân viên quân y, nhân viên y tế bao gồm: y sĩ, y tá, dược sĩ trung học, dược tá, kỹ thuật viên điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm.

  • Học viện Hải quân: đào tạo sĩ quan cấp phân đội bậc đại học gồm 12 chuyên ngành: Điều khiển tàu biển, Mìn -Chống mìn, Ngư lôi – Chống ngầm, Tên lửa hải quân, Pháo tàu, Thông tin, Ra-đa sona, Ra-đa bờ, Máy tàu, Điện tàu, Chỉ huy tàu cảnh sát biển, Chỉ huy tàu biên phòng.

  • Học viện Phòng không – Không quân: đào tạo sĩ quan lái máy bay, sĩ quan chỉ huy cấp phân đội, cấp chiến thuật – chiến dịch phòng không – không quân có trình độ đại học, đào tạo kỹ sư hàng không.

Học viện Biên phòng: đào tạo ngành biên phòng với ba chuyên ngành: Quản lý biên giới, Quản lý cửa khẩu, Trinh sát biên phòng.

Nếu bạn chưa tự tin để bước vào một “sân chơi” lớn như các học viện, bạn có thể tham gia thi tuyển vào các trường sĩ quan và cao đẳng như Trường Sĩ quan Pháo binh, Trường Sĩ quan Tăng – Thiết giáp… hoặc các chuyên ngành đào tạo bậc cao đẳng của các học viện.

Ngoài ra bạn cũng cớ thể tham gia thi tuyển vào các trường trung học chuyên nghiệp, sơ cấp, các trường quân sự quân khu, quân đoàn và các trường quân sự các tỉnh, thành phố. Các trường này đào tạo cán bộ chỉ huy cấp tiểu đội bộ binh và chuyên môn kỹ thuật v.v…

Các học viện đều có những khóa đào tạo sau đại học với chức danh: thạc sĩ quân sự hoặc tiến sĩ quân sự. Các khóa đào tạo sau đại học tập trung vào một số chuyên ngành phục vụ cho nhiệm vụ quân sự như: nghệ thuật quân sự, khoa học quân sự và một số chuyên ngành khác.

Pin It

Để lại bình luận

Your email address will not be published.

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*